Thảo luận luật trưng cầu ý dân: Công dân có quyền nhưng thiếu nghĩa vụ

Lương Kết Thứ sáu, ngày 13/11/2015 06:45 AM (GMT+7)
Ngày 12.11, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
Bình luận 0

Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 26.11 tới.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng).  Ảnh: Hoàng Long

Góp ý vào cho dự luật, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã nêu vấn đề chưa có quy định về trách nhiệm của người dân bỏ phiếu trưng cầu ý dân."Dự thảo luật đã quy định chỉ những vấn đề đặc biệt quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước, vấn đề quốc kế dân sinh, về vấn đề Hiến pháp mới tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, nếu luật chỉ trao quyền mà không giao nghĩa vụ cho công dân là chưa phù hợp. Trong trường hợp công dân từ chối quyền được trao, họ không bỏ phiếu trưng cầu ý dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trưng cầu ý dân" - ĐB Thủy nêu.

ĐB Thủy đã đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của công dân trong cuộc trưng cầu ý dân để luật chặt chẽ hơn.

Để người dân có trách nhiệm để tham gia khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, theo ĐB Lưu Thành Công, cần phải coi trọng việc tuyên truyền. "Đây là một nội dung không thể thiếu trong dự thảo luật này, phải cung cấp cho nhân dân đầy đủ, đúng đắn về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để người dân hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của vấn đề, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia trưng cầu ý dân" - ĐB Công nói.

Theo ĐB Công, quy trình thực hiện một lần trưng cầu ý dân quy định như trong dự thảo luật thủ tục còn quá rườm già, có những chế định không cần thiết. "Quan trọng trong những lần trưng cầu ý dân, là làm sao tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, khuyến khích họ quyền làm chủ trực tiếp của mình trong quá trình trưng cầu ý dân hơn là những quy định cứng buộc họ phải thực hiện" - ĐB Công bày tỏ.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, nếu vấn đưa ra trưng cầu ý dân được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính thức sẽ làm tăng lượng cử tri tham gia. ĐB Hùng góp ý thêm, bên cạnh các hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân, thì cần bổ sung báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của từng phương án đến tình hình của đất nước. "Tức là phải đánh giá cụ thể tác động của từng phương án đề ra, nếu cử tri chọn phương án này thì tác động đến tình hình đất nước như thế nào, chọn phương án kia tác động như thế nào, Quốc hội phải thảo luận kỹ những vấn đề này. Sau khi thảo luận kỹ căn cứ vào đó mới xem xét có nên đưa ra không" - ĐB Hùng giải thích thêm.

Đặt tình huống xảy ra khi việc trưng cầu ý dân hoàn thành, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng,  xã hội, cộng đồng dân cư có thể bị phân hóa do khác nhau về quan điểm, quyết định lựa chọn của mỗi công dân. "Đây là điều hết sức bình thường ở bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào và ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng nếu không xử lý khéo sẽ đưa đến tình trạng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tôi đề nghị nên có quy định mang tính động viên, khuyến khích công dân đưa ra được chính kiến của mình một cách khách quan, công tâm, đúng với suy nghĩ, nhìn nhận, mong muốn lựa chọn của người có quyền bỏ phiếu. Đồng thời, để công dân hiểu rằng việc đưa ra chính kiến là mang tính xây dựng, giúp cho việc quyết định vấn đề chính xác, bảo đảm cho xã hội đồng thuận, vì mục đích chung" - ĐB Vinh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem