Thêu, dệt thổ cẩm ở Bắc Giang: Tìm lại nét duyên cho đồng bào dân tộc

Thứ sáu, ngày 28/03/2014 11:06 AM (GMT+7)
Trước nguy cơ nhiều dân tộc mất dần trang phục truyền thống, tại một số vùng miền núi ở Bắc Giang, đồng bào các DTTS đã tìm cách khôi phục nghề thêu dệt thổ cẩm và mở lớp truyền dạy cho người trẻ.
Bình luận 0
Tự hào được mặc trang phục dân tộc mình

Tới xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), hình ảnh bắt mắt với chúng tôi là những gam màu đỏ rực rỡ, vừa kín đáo lại pha nét dịu dàng của trang phục phụ nữ Dao xen với màu xanh núi rừng. Bà Triệu Thị Xoan, 55 tuổi kể: Theo phong tục xưa, con gái Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới. Vì vậy, ngay từ khi còn bé trẻ em gái đã được bà, mẹ dạy cách thêu thùa, may vá trang phục.

Mặc dù vậy, theo anh Thân Văn Nguyên, cán bộ văn hóa xã Tuấn Mậu, trước đây việc bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao trong xã đã bị xao nhãng, chỉ những người già biết phương pháp dệt, thêu thổ cẩm, còn lớp trẻ ít quan tâm. Năm 2010, một số người tâm huyết đã tìm cách khôi phục nghề thêu tay tại đây và truyền dạy cho lớp trẻ.

Vào những buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần, các bà, các mẹ lại cần mẫn truyền nghề cho 30 học viên ở độ tuổi từ 10 đến 18, họ đều là con em đồng bào dân tộc Dao tại địa phương. Vừa qua các học viên còn được huyện hỗ trợ đi thực tế tìm hiểu mô hình dệt thổ cẩm tại Sa Pa (Lào Cai). Em Trịnh Ngọc Huyền (18 tuổi) ở bản Mậu, xã Tuấn Mậu cho biết: "Được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc em thật tự hào. Khi biết các bà truyền dạy cách thêu tay chúng em thích lắm và sẽ cố gắng tiếp thu tốt, để góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc mình”.

Còn tại bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm dân tộc Cao Lan đã được đồng bào thực hiện thành công từ năm 2007. Điển hình là gia đình bà Trạc Thị Ngọn đã truyền nghề dệt truyền thống cho các con trai, con dâu, con gái và các cháu. Theo bà Ngọn, thời gian để hoàn thiện một bộ trang phục với một người phải mất hơn một tháng. Do đó đòi hỏi người học phải kiên nhẫn, đam mê. Hiện nhiều sản phẩm thổ cẩm của bản Khe Nghè đã được giới thiệu trưng bày và bán cho nhiều đoàn khách du lịch.

Tìm về bản sắc

Nếu như trước đó cả bản chỉ còn vài người già biết dệt thì nay có hàng chục người trẻ đã được truyền dạy các công đoạn và phương pháp để tạo lên những bộ trang phục truyền thống đẹp, độc đáo.

Cũng như tiếng nói, trang phục là tín hiệu quan trọng để phân biệt giữa các dân tộc. Bà Vi Thị Tỉnh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang có hơn 20 dân tộc, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, lưu giữ hầu hết các mẫu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Đồng thời một số dân tộc đã tự làm tốt công tác truyền dạy nghề dệt, thêu trang phục dân tộc, điển hình như dân tộc Sán Chí (xã Kiên Lao), Nùng (xã Tân Sơn, Hộ Đáp), Sán Dìu (Quý Sơn) huyện Lục Ngạn; dân tộc Tày (xã An Lạc), Dao (xã Tuấn Mậu), Cao Lan (xã Yên Định) huyện Sơn Động… Hình thức chủ yếu vẫn là các gia đình tự trao truyền cho các thế hệ. Một số nơi, đồng bào đã tự đứng ra mở các lớp truyền dạy dệt, thêu trong đó chú trọng vào đối tượng trẻ, học sinh, sinh viên.

Cũng theo bà Vi Thị Tỉnh, để bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục truyền thống DTTS, các địa phương cần phục dựng nhiều hơn nữa không gian văn hóa thích hợp. Qua đó tạo ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Tích cực tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu, tự hào và tôn vinh nét đẹp trang phục dân tộc mình...

Ngành chức năng cần quan tâm đến những nghệ nhân biết làm trang phục truyền thống và truyền nghề cho lớp trẻ. Đồng thời có thể hỗ trợ đồng bào thành lập các hợp tác xã làm thổ cẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, gắn với phát triển du lịch và tìm thị trường cho sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập… cho bà con các dân tộc.
Nguyên Hưởng (Nguyên Hưởng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem