Thi THPT quốc gia 2017: Đạt điểm cao, nhiều thí sinh... khó xử

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 08/07/2017 06:35 AM (GMT+7)
Ngày 7.7, Bộ GDĐT đã công bố phổ điểm tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Theo đánh giá của Bộ, phổ điểm năm nay đẹp, chuẩn, có lợi cho thí sinh và các trường ĐH, CĐ trong việc xét tuyển.
Bình luận 0

Dao động 4,5 – 6,5 điểm

Cụ thể, theo phân tích của Bộ GDĐT, dạng phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn, điều này chứng tỏ các đề thi đánh giá sát với chuẩn đầu ra chương trình lớp 12 của các môn học, phân loại, phân hóa rõ ràng, sát thực năng lực của thí sinh... Hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ 4,5 – 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị, điều đó chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh có truyền thống hiếu học.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có ở hầu hết các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng từ 40 – 60%. Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan.

img

img

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đánh giá, mức điểm phân bổ như thế này sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh và cả các trường ĐH, CĐ trong việc xét tuyển: “Nếu phổ điểm 3 môn trong tổ hợp đều, đường đồ thị không bị dốc bất cứ điểm nào thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi. Khi đó, nếu trường có tăng nửa điểm hoặc giảm nửa điểm trong điểm chuẩn trúng tuyển thì lượng thí sinh cũng không tăng, không giảm nhiều. Đó là điều mà các trường ĐH rất mong muốn để không phải áp dụng đến giải pháp dùng tiêu chí phụ” – ông Ga nói.

Ông Ga cũng thông tin, số lượng thí sinh điểm cao (9, 10 điểm) và điểm thấp (0, 1, 2 điểm) cũng không quá nhiều hay quá ít như mọi năm nên các trường sẽ thuận lợi hơn trong việc xét tuyển. Nhiều năm tổ chức thi "3 chung", mức điểm sàn chỉ dao động từ 14 – 15 điểm các khối thi, tương đương với 3 môn thi đạt 5 điểm. Điểm sàn đã ổn định nhiều năm nay và không thể thay đổi một cách đột biến, chính vì vậy thí sinh không cần quá lo lắng.

Điểm cao lại… khó xử

Sau khi biết điểm thi, không ít thí sinh rơi vào tình huống “bất ngờ” điểm các tổ hợp môn thi đạt cao trong khi trước đó không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Dựa vào phổ điểm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý thí sinh cách phân tích để đưa ra quyết định thay đổi nguyện vọng xét tuyển: Ví dụ toán, lý, hóa đồ thị dịch tay phải nhiều hơn thì năm nay điểm chuẩn vào các trường nào đó sẽ dịch lên, hoặc nếu nằm tay trái (thấp hơn) thì điểm chuẩn có thể thấp hơn. Vì vậy có nhiều thông số cho các em quyết định, để các em có lựa chọn phù hợp nhất cần tư vấn của phụ huynh.

Vừa biết điểm thi THPT quốc gia, trong đó tổ hợp môn thi khối C (văn – sử - địa) được 19 điểm, em Vũ Thị H (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cứ ngồi ngẩn ngơ cả buổi mà không biết mình... nên cười hay nên khóc. Hương cho biết, lực học của em ở mức trung bình, em cũng chỉ nghĩ thi đỗ lấy bằng THPT để xin vào làm công nhân nên không đăng ký xét tuyển ĐH.

“Không ngờ tổ hợp môn khối C em được cao thế. Mọi người đều bảo mức điểm này có thể trúng tuyển nhiều trường ĐH tốt, em mà không xét tuyển thì rất đáng tiếc. Giờ em lăn tăn quá, không biết mình chưa đăng ký thì có xét tuyển được nữa không?” – H nói.

Tương tự H, em Nguyễn Duy Phương (Yên Thế, Bắc Giang) cũng đạt được 20 điểm ở tổ hợp môn khối A. “Ban đầu vì nghĩ mình cùng lắm chỉ được 16 - 17 điểm nên đã chủ động không nộp hồ sơ xét tuyển. Giờ người thì bảo xét tuyển đi, người thì bảo thôi đâm ra em cũng rối” – Phương nói.

Theo quy định của Bộ GDĐT, trong mẫu phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, thí sinh bắt buộc phải đánh dấu X vào mục số 9 nếu có nguyện vọng dùng kết quả thi để xét tuyển. Chính vì vậy, những thí sinh không đăng ký tham gia xét tuyển thì sau khi công bố điểm chỉ được xét tuyển công nhận tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, những thí sinh này vẫn được tham gia xét tuyển các đợt bổ sung do trường tự thực hiện sau khi đợt 1 xét tuyển kết thúc. Các thí sinh này còn có thêm cơ hội xét tuyển bằng học bạ ở rất nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem