Thiếu nước, Đà Nẵng lại nhờ thủy điện "cứu" hạ du

Trương Hồng Thứ sáu, ngày 15/03/2019 09:26 AM (GMT+7)
Trước tình hình thủy điện miền núi tích nước về mùa khô, hạ du thủy triều dâng cao gây nhiễm mặn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các thủy điện ở Quảng Nam xả nước cứu hạ du.
Bình luận 0

Ngày 15.3, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã nhận được văn bản số 1231 của UBND TP.Đà Nẵng gửi về việc phối hợp đề nghị Bộ TNMT điều chỉnh vận hành của các thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương từ nay đến ngày 10.5, nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn đang diễn ra rất gay gắt trên địa bàn.

Trong khi đó, Công ty CP cấp nước Đà Nẵng cũng cho biết, từ ngày 12.2.2019 đến nay, độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ - Đà Nẵng diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao, độ mặn trung bình ở mức 800 - 1.000 mg/l, độ mặn cao nhất là 1.813 mg/l vào lúc 20h30 ngày 18.2.2019 và 1.751 mg/l vào lúc 14h ngày 25.2.2019.

img

Đà Nẵng đề nghị các thủy điện ở Quảng Nam xả nước cứu hạ du.

UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, qua theo dõi tình hình mực nước trên các sông và việc vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia từ ngày 1.2.2019 đến nay, cho thấy, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lúc 7h ở mức thấp, khoảng 2,1 -2,66m. Thủy điện Đak Mi 4 mực nước lúc 7h ngày 27.2 là 255,13m, dưới mực nước trung bình là 2,87m. Trong khi đó, hiện nay, hai hồ thủy điện cấp nước chính cho hạ du sông Vu Gia lại là A Vương và Sông Bung 4.

Càng đáng lo khi Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia cho biết, lượng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên từ tháng 3-5.2019 phổ biến ở mức xấp xỉ thấp hơn trung bình hàng năm từ 0,5-15%. Từ tháng 3.1019 nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguy cơ nhiễm mặn tăng cao tại Cầu Đỏ. Cụ thể, nếu vượt 1.000mg/l kéo dài trong thời gian tới như hiện nay thì công suất của Nhà máy Dawco sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của thành phố, dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng, mất an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố.

img

Người dân tham gia đắp đập tạm để đưa nước về Đà Nẵng.

"Do đó TP.Đà Nẵng đề xuất, đối với Thủy điện Sông Bung 4 vận hành phát điện, xả nước với lưu lượng trung bình ngày theo Quy trình 1537 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thủy điện Đak Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng trung bình lớn hơn hoặc bằng hai lần lưu lượng phải xả liên tục trong ngày, tức là tổng lượng xả bằng tổng lượng phải xả trong ngày theo Quy trình 1537.

Đối với Thủy điện Đak Mi 4, trong giai đoạn từ ngày 24.2 đến ngày 10.5, không phát điện hoặc hạn chế phát điện về sông Thu Bồn, để tiết kiệm giữ nước lại trong hồ phục vụ khi có nhu cầu cấp thiết ở hạ du…

UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Bộ TN&MT và làm việc trực tiếp với các nhà máy thủy điện để thống nhất chỉ đạo, đề nghị xả nước, điều tiết nước khẩn cấp cho hạ du” - văn bản nêu rõ.

img

Đập tạm trên sông Quảng Huế.

Ngoài ra, một con đập tạm được khẩn trương được thi công trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để đưa nước về Đà Nẵng phục vụ đẩy mặn, cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đây là công trình nâng cao con đập tại sông Quảng Huế lên cao trình +3,2m. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, công trình này với chiều rộng đỉnh đập là 9,3m và chiều dài đỉnh đập là 17,5m, phía hạ lưu xếp rọ đá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem