Thời sinh đẻ ít

Thứ hai, ngày 24/07/2017 06:40 AM (GMT+7)
Qua rồi thời vận động sinh đẻ có kế hoạch với khẩu hiệu “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ”, ngày nay nhiều địa phương trong cả nước do tỷ lệ sinh quá thấp một số người cho rằng đã đến lúc phải chuyển sang khẩu hiệu mới… “Dù gì đi nữa cũng phải đẻ con”.
Bình luận 0

Cuối tuần qua, ngồi bên ly càphê trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM, anh Cường, 32 tuổi, nói: “Có một đứa con mười tuổi, nội ngoại ai cũng kêu sinh tiếp, nhưng vợ chồng tôi sợ quá”. Nỗi sợ của anh Cường đến từ việc chi phí nuôi con quá tốn kém. Cùng là công nhân, hai vợ chồng “cày” hết mức cả tháng gần 18 triệu đồng, nhưng tiền học bán trú và học thêm của con mất đứt 5 triệu. Số còn lại chi cho tiền thuê nhà trọ, ăn uống, đi lại.

img

Về mặt xã hội, sinh đẻ ít khiến cho dân số già hoá, thiếu hụt lực lượng lao động, dẫn đến nhiều khủng hoảng.

“Tháng nào không ốm đau bệnh tật hay phải dự sinh nhật, cưới hỏi là may. Nếu không thì phải bấm bụng tiêu xài bớt lại. Hoàn cảnh như thế sao dám sinh đẻ?”, anh nói tiếp.

Cũng ngán sinh con như anh Cường, nhưng chị Hoàng, 27 tuổi, lại có lý do khác: “Con gái tôi năm tuổi, nhưng không tháng nào là nó không bị bệnh. Nó chỉ bệnh lặt vặt viêm họng, sổ mũi thôi, nhưng bệnh lúc nào cũng sốt cao vài ba hôm và những lúc đó là quấy khóc suốt. Con bệnh, vợ chồng lục đục, cãi vã suốt. Nhìn bạn bè còn độc thân ai cũng nhởn nhơ vui đùa, đi du lịch suốt, tôi ước gì được như chúng nó. Lập gia đình, sinh con chi cho quá mệt”.

Thống kê của chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM, cho thấy TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh thấp nhất. Trong năm 2015, mỗi phụ nữ ở đây chỉ sinh 1,45 con, nghĩa là mỗi gia đình chưa có đến hai con. Nhưng không phải bây giờ người ta mới nói chuyện sinh đẻ ít ở nước ta. Năm 2014, tại một hội thảo về sinh sản ở ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thiếu hụt dân số ở nước ta.

Ở đây, một nguyên nhân chính được ThS.BS Hồ Mạnh Tường, giám đốc trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khoẻ sinh sản khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu lên là tình trạng bắt chước lối sống phương Tây của nhiều bạn trẻ, dẫn đến gia tăng tỷ lệ phá thai và hậu quả là bị vô sinh hiếm muộn.

P., 29 tuổi, tháng qua trên Facebook cá nhân của mình đăng một status nhận được nhiều lượt comment: “Ngày xưa đừng ăn chơi quá hớp thì giờ đây đâu phải khổ”. Cách đây bốn năm P. lập gia đình với một doanh nhân giàu có, tưởng chừng đó là một gia đình hạnh phúc, thì đầu năm nay hai vợ chồng cô đã chia tay.

Một số người cho biết khi còn trẻ P. nổi tiếng ăn chơi. Hậu quả là cô không còn khả năng sinh con do tắc hai vòi trứng. Sau một thời gian dài chữa vô sinh, hiếm muộn bất thành, chồng cô hết kiên nhẫn và quyết định chia tay.

BS Tường cho biết, ngày nay xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn và trì hoãn sinh con ngày càng nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến hiếm muộn. Chưa kể môi trường sống đang tràn ngập nhiều hoá chất độc hại, cùng với việc sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá nhưng lại ít vận động, khiến cho chất lượng tinh trùng của nam giới giảm sút và dẫn đến vô sinh.

Một bác sĩ sản khoa cho biết, sinh đẻ ít dù bất kỳ nguyên nhân gì đều có thể dẫn đến hệ luỵ lớn cho gia đình và xã hội. “Gia đình không có con, hoặc có con không đầy đủ sẽ làm cho mối quan hệ vợ chồng trở nên đơn điệu, nhàm chán và không ít gia đình đã tan vỡ vì điều này”.

Về mặt xã hội, sinh đẻ ít khiến cho dân số già hoá, thiếu hụt lực lượng lao động, dẫn đến nhiều khủng hoảng. Đầu năm nay, Chính phủ Singapore đã phát đi cảnh báo cao nhất khi năm qua tỷ lệ sinh ở quốc gia này chỉ còn 1,2 trẻ/bà mẹ, gần sát với kỷ lục 1,16 trẻ/bà mẹ của năm 2010.

Theo tính toán, để dân số có thể thay thế một cách tự nhiên, người ta phải cần đến con số 2,1 trẻ/bà mẹ. Nếu không đạt con số này, người ta phải cần đến lao động nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng theo một bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, một xu thế đang nảy sinh có thể làm cho sinh đẻ ít, đó là nhu cầu tình dục ở người trẻ đang giảm sút.

Bác sĩ này nói: “Sống trong một thế giới nhiều rủi ro, không ít người chọn một lối sống duy nhất là lao vào kiếm tiền để thoả mãn nhu cầu bản thân vui chơi, giải trí, du lịch. Họ ngại sống chung và nếu có sống chung thì sợ trách nhiệm với con cái, gia đình và không màng đến tình dục, dù đó là một câu chuyện nghiêm túc”.

Tại Nhật Bản, “hội chứng sống độc thân” đã xuất hiện nhiều năm qua và biến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Trong một thập kỷ qua dân số Nhật giảm còn 126 triệu người, nhưng người ta dự báo nó còn mất đi 1/3 vào trước năm 2060, vì chẳng ai buồn sinh đẻ.

Châu Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem