Thu phí vẫn khó giảm ôtô vào trung tâm?

Lương Duy Cường Thứ sáu, ngày 19/07/2019 07:00 AM (GMT+7)
Hoàn toàn không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng việc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM mới đây đề xuất UBND TP chấp thuận dự án đầu tư vốn ngân sách xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm thành phố lại nhận được thông tin nhiều chiều.
Bình luận 0

Không mới, vì chuyện này từng được đặt ra nhiều lần trong vòng 10 năm qua. Cũng không mới vì với lần đề xuất này, theo Sở GTVT thì vẫn căn cứ vào quan điểm của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD). Vậy là ngành giao thông thành phố vẫn chưa có những lựa chọn khác ngoài quan điểm của ITD vốn đã có từ năm 2009?

Phải chăng vì thế mà dư luận vẫn còn nhiều ý kiến qua lại, dù lãnh đạo Sở GTVT cho biết lần đề xuất này chỉ cơ bản là dựa trên các kết quả nghiên cứu trước đây của ITD nhưng phương thức thực hiện sẽ khác, sẽ lập theo hướng đầu tư công, Nhà nước đầu tư và tổ chức thu phí. Sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố như Singapore, Thụy Điển, Anh… đang làm. Chưa kể so với những nghiên cứu trước đây của ITD, quy mô dự án không thay đổi nhiều nhưng vốn đầu tư sẽ thấp hơn nhiều (250 tỉ đồng) bởi nhà đầu tư tính toán dựa trên nhiều khoản phí như lãi vay ngân hàng, thời hạn vận hành, bảo dưỡng... 

img

Vành đai thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM.

Chuyện thu phí ôtô vào khu vực trung tâm tại TP.HCM từ khi khởi phát ý tưởng đến nay đã tròn 10 năm. Trong 10 năm ấy, vấn đề đặt ra không chỉ giới hạn trong các cuộc hội thảo mà là cả ở Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, nhưng rốt cuộc vẫn chưa ngã ngũ.

Chưa ngã ngũ, đơn giản vì nhiều vấn đề dư luận băn khoăn thì vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng từ ngành chức năng là Sở GTVT - tác giả của dự án. Nếu căn cứ vào cách lý giải của ngành giao thông thì dự án chỉ có lợi và… lợi. Mà lợi ích nhất được nói rõ là giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm do các tuyến đường khu trung tâm TP.HCM đã quá tải nặng nề, trong khi lượng xe cá nhân liên tục gia tăng, đặc biệt là ôtô. Sở GTVT cũng đưa ra con số thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ôtô tại thành phố tăng 15%, còn xe máy chỉ khoảng 6%.

Sự thật thì việc thu phí có làm giảm số lượng ôtô vào khu vực trung tâm thành phố hay không? Lãnh đạo Sở GTVT chắc chắn tin là giảm, mà giảm thuyết phục chứ không chỉ khơi khơi, cho có, thế mới tương xứng với việc ngân sách phải bỏ chí ít là 250 tỉ đồng. Rồi thì cái sự giảm ấy cũng phải bền vững, chứ chỉ giảm khi nghiệm thu, báo cáo thì rốt cuộc đâu lại vào đó.

img

Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM.

Nhưng xét cho cùng thì đau đáu với tình trạng giao thông ùn tắc ở trung tâm TP.HCM nói riêng và hệ thống giao thông ở đô thị cả nước nói chung không chỉ là chuyện riêng của ngành giao thông. Người tham gia lưu thông và dân chúng đang gắn chặt đời sống của mình với hoạt động giao thông mới là những đối tượng quan tâm nhất. Giao thông ùn tắc thì đời sống bức bí, thiệt hại nhiều mặt. Nhưng giao thông không phải như hàng hóa, cứ tăng thu thì sẽ giảm tiêu dùng. Mà ngay cả hàng hóa như thuốc lá, rượu bia, kể cả ôtô, đều đã gánh các thứ thuế phí “khủng’ rồi đấy chứ, mà sức tiêu dùng chỉ tăng chứ đâu có giảm.

Sự thực thì không cần đến chuyên gia giao thông phân tích mà ngay thường dân cũng dễ dàng nhìn thấy là đường sá rất rộng nhưng các phương tiện cứ mạnh ai nấy chạy thì trước sau cũng nảy sinh xung đột mà dẫn đến ùn tắc. Chung cư chọc trời, rồi bệnh viện, trường học vẫn nằm giữa trung tâm, chưa kể số cơ sở mới vẫn tiếp tục xuất hiện, thì dù có đánh phí, rốt cuộc có giảm được số lượng ô tô vào trung tâm không? Có giảm được nhu cầu ô tô cá nhân vào trung tâm không? Đấy là chưa nói đến tốc độ tăng trưởng của ôtô tại thành phố đang cao hơn hẳn xe máy, nhưng ai dám chắc là thu phí ô tô thì các phương tiện khác, kể cả xe máy, sẽ không có chuyện lật ngược ngoạn mục bằng tỉ lệ tăng trưởng kinh hoàng? Cho nên, nếu không có nhiều giải pháp đồng bộ, thì trừ khi cấm, chứ chỉ thu phí thì sẽ khó mà giảm được số lượng ôtô vào trung tâm.

Đấy là chưa nói đến sự xuất hiện của 34 cổng thu phí vây quanh khu vực trung tâm. Dù ngành giao thông khẳng định nó rất là tự động, rất là… công nghệ, nhưng dư luận thì vẫn dè dặt, vẫn sợ nó sẽ là thủ phạm gây thêm cái sự kẹt xe.

img

Kẹt xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1 vào giờ cao điểm chiều. Ảnh: Vietnammoi

Nhưng ngành giao thông được lập ra là để tính toán chuyện giao thông, nên đó là nơi tập hợp được nhiều nhất các bộ óc chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Dân chúng vốn lo cho đầu tư công nên tính tới tính lui là phải, trong khi ngành giao thông đã đoan chắc tính toán kỹ rồi, quân tướng đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân với quyết định của mình.

Tiền ngân sách phải biết quí từng đồng, tìm ra được giải pháp để giảm ùn tắc trong trung tâm một đô thị thì cũng là gián tiếp tạo ra tiền. Nhưng một giải pháp vẫn không nhận được sự đồng thuận, vẫn khiến người dân và nhiều chuyên gia độc lập băn khoăn, nghi ngờ và cả phản đối, thì cũng cần xem lại tính khả thi, cũng như thời điểm phù hợp.

Thành phố có thực sự thông minh hay không, đôi khi lại chỉ cần nhìn từ những bánh xe lăn trên đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem