Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "VNEN là mô hình trường học mới có nhiều ưu việt"

Thứ sáu, ngày 14/02/2014 14:47 PM (GMT+7)
Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển về mô hình trường học mới (VNEN) tại buổi làm việc với trường THPT Nguyễn Siêu, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bình luận 0
  • Sáng nay, 14.2, tại trường THPT Nguyễn Siêu, Trung Hòa, Hà Nội đã diễn ra buổi dự dạy thử nghiệm mô hình trường học mới (VNEN) và tọa đàm về phát triển chương trình giáo dục nhà trường Phổ thông.

  • Tham gia buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển; các chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học; Chủ biên và các tác giả biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học thí điểm theo mô hình trường học mới VNEN cấp Trung học cơ sở; Ban giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, học sinh lớp thí điểm trường THPT Nguyễn Siêu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá về tiết học thử nghiệm tài liệu hướng dẫn học theo mô hình trường học mới VNEN lớp 6, môn Khoa học tự nhiên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá về tiết học thử nghiệm tài liệu hướng dẫn học theo mô hình trường học mới VNEN lớp 6, môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: V. Tâm

Sau khi tham quan và dự giờ học theo phương pháp mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, VNEN là mô hình trường học mới có rất nhiều ưu điểm:

Thứ nhất: Phương pháp dạy học này coi trọng việc tự học của học sinh, phát huy được tính chủ động của các em, đặc biệt là rèn luyện cho các em phương pháp tự học, sáng tạo, do đó học sinh sẽ có kết quả học tập tốt hơn.

Thứ hai: Mô hình trường học mới VNEN có cách thức tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường rất sáng tạo. Phát huy được tinh thần chủ động, tinh thần tập thể và hợp tác của các em học sinh. Các em được học nhóm, sinh hoạt nhóm và tự quản trong nhà trường.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện tại, Bộ đang biên soạn Sách giáo khoa cho THCS, dự kiến năm học tới, ở một số địa phương sẽ tiếp tục cho thí điểm mô hình VNEN ở cấp THCS, cũng như Tiểu học. Sau khi tiến hành một năm, nếu địa phương nào thấy tốt sẽ nhân rộng mô hình này. Có thể nhân rộng toàn bộ cả mô hình, hoặc nhân rộng từng phần (có thể chỉ nhân rộng phương pháp dạy học, có thể nhân rộng về cách thức tổ chức hoạt động của các em học sinh trong nhà trường).

Học sinh lớp 6A5 trong được thảo luận sôi nổi, dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong giờ học.
Học sinh lớp 6A5, trường THPT Nguyễn Siêu được thảo luận sôi nổi, dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong giờ học. Ảnh: V. Tâm

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn Trưởng khoa Sinh học trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Tổng chủ biên môn Khoa học trong dự án Mô hình VNEN cho biết: VNEN là mô hình trường học hoàn toàn mới ở VN đã được thực hiện ở một số trường cấp tiểu học, đây là lần đầu tiên thí điểm ở cấp Trung học cơ sở.

Mô hình này nhấn mạnh đến hình thức hoạt động trên lớp, trong đó, học sinh tự hoạt động và tự rút ra kiến thức. Người giáo viên là người đóng vai trò tổ chức hoạt động, và hướng dẫn các em hoạt động để thu nhận được kiến thức. Giáo viên không trực tiếp cung cấp kiến thức có sẵn trong sách.

Theo ông Tuấn, giờ học thành công hay không, phụ thuộc nhiều vào việc các em học sinh hoạt động thế nào, và giáo viên hướng dẫn ra sao, để cho kết quả cuối cùng là học sinh có thể tự rút ra kiến thức cho mình qua thực tiễn. Các kiến thức mà học sinh được học, phải gắn liền từ kinh nghiệm thực tiễn đã có của học sinh.

Mô hình trường học mới VNEN là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại. Mô hình này dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế; vận dụng cách làm của giáo dục Colombia một cách sáng tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình này đã được UNICEP, UNESCO, Nhân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và đánh giá cao.

Tại trung tâm TP Hà Nội, năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT đã chọn trường THPT Nguyễn Siêu dạy thử nghiệm tài liệu chương trình dành cho cấp THCS.



Vân Nga (Vân Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem