Thủ tướng nên trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ

Minh Huệ Thứ tư, ngày 17/05/2017 11:28 AM (GMT+7)
Sáng nay, 17.5, Uỷ ban Thường vụ Quốc đã hội họp cho ý kiến về một số vấn đề về chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Bình luận 0

img

 Tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ, sau khi các Phó Thủ tướng trả lời, Thủ tướng cũng sẽ lên trình bày những câu hỏi mà đại biểu trực tiếp hỏi. Ảnh: Zing.vn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20.4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Các ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời góp ý về một số vấn đề cụ thể.

Về thời gian chất vấn, kỳ họp lần này sẽ dành 3 ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm xuống còn 2,5 ngày như các kỳ họp trước.

Về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng các kỳ trước thời gian chất vấn chỉ có 2,5 ngày, kỳ này mới bắt đầu thực hiện 3 ngày. “Kỳ này vừa nâng lên 3 ngày lại yêu cầu giảm, chưa làm thử đã giảm. Chúng ta cứ làm thử đã”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Chốt lại vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian chất vấn sẽ vẫn giữ 3 ngày. “Thời gian chất vấn 2,5 ngày trước đây bị cho là ngắn nên rất nhiều đại biểu và cử tri yêu cầu tăng thời gian chất vấn vì đây là nội dung cử tri rất quan tâm”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, theo luật giám sát, người được chất vấn phải trực tiếp trả lời không được ủy quyền. Nhưng thông lệ từ trước tới nay, kỳ họp cuối năm thì Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời, kỳ họp giữa năm thì ủy quyền cho 1 Phó Thủ tướng, thường là Phó Thủ tướng thường trực thay mặt trả lời.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi trực tiếp với tôi là đề nghị cho giữ thông lệ này. Không phải Thủ tướng ngại trả lời nhưng công việc của Thủ tướng rất nhiều, do đó giữ thông lệ này là để vừa đảm bảo thực hiện đúng luật giám sát và giảm bớt những áp lực trong công tác điều hành quản lý của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, theo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng phải trả lời chất vấn để thể hiện bản lĩnh nghị trường của mình, thể hiện khả năng điều hành quản lý các lĩnh vực được phân công hay ngoài lĩnh vực được phân công, khả năng bao quát công việc chung của Chính phủ.

“Theo đó, Thủ tướng nói mỗi một kỳ họp giữa năm sẽ phân công 1 Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn chứ không chỉ 1 Phó Thủ tướng thường trực, lần lượt năm nay là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, năm sau là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm sau nữa là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tiếp nữa là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Sau khi các Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, Thủ tướng vẫn sẽ lên trình bày những câu hỏi mà đại biểu trực tiếp hỏi Thủ tướng bằng văn bản và sau đó Thủ tướng cho ý kiến thêm những vấn đề các Phó Thủ tướng đã trình bày nếu chưa rõ.

"Có nghĩa, Thủ tướng vẫn xuất hiện ở nghị trường và ít nhất các đại biểu Quốc hội có thể hỏi từ 5 - 7 câu hỏi trong kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm.

“Trước đó, trả lời chất vấn phiên đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất được nhân dân, cử tri và đại biểu Quốc hội đồng tình, khen ngợi. Việc Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn gần một buổi đã tạo nên không khí mới trong nghị trường. Đề nghị lần này Chính phủ tiếp tục tinh thần đổi mới tăng tính đối thoại và trực diện những vấn đề mà cử tri quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng họp bàn thêm nội dung cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. 

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng họp cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sẽ trình Quốc hội về dự thảo này. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ trình Quốc hội thông qua hai kỳ họp.

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam. Riêng dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ cân nhắc có nên cho thêm vào chương trình kỳ họp lần này không vì chưa đủ hồ sơ để trình ra Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem