Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mang nông sản ĐBSCL ra thế giới

Hữu Ký Thứ hai, ngày 27/06/2016 13:32 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Diễn đàn Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) 2016 (tại TP.HCM ngày 27.6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương trong vùng cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa nông sản của vùng đi khắp thế giới.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khi chiếm khoảng 12% diện tích; 20% dân số và trên 15% GDP của cả nước; đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp; gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn/năm), cung cấp khoảng 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,9%, thấp hơn bình quân cả nước (4,45%).

Nhưng hiện nay, tác động của BĐKH tại khu vực nhanh và mạnh hơn dự báo. Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ĐBSCL. Phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền từ 100 đến 120 km. Đã có trên 230 ngàn ha lúa Đông Xuân, 9,4 ngàn ha cây ăn quả, trên 5 ngàn ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 250 ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân vừa qua giảm trên 400 ngàn tấn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam và cả thế giới.

Trong khi đó, vấn đề tồn tại ở khu vực hiện nay đó là thiếu sự liên kết giữa các tỉnh, thiếu quy hoạch liên kết khu vực. Trong tương lai, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phải tích hợp gắn xây dựng NTM cho hiệu quả với việc ứng phó BĐKH.

Thủ tướng đưa ra tầm nhìn cho ĐBSCL phải trở thành nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao, không chỉ ở Đông Nam Á, mà cả châu Á trong tương lai. 

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị các tỉnh hình thành liên kết vùng, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ; ưu tiên ứng dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi. Theo Thủ tướng, ĐBSCL có các loại trái cây đặc trưng với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao như bưởi năm roi của Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh Bến Tre, quýt Hồng Lai của Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang… Các địa phương phải đưa được nông sản của mình đi khắp thế giới, trở thành những loại trái cây cao cấp, hiện diện trong những hệ thống siêu thị Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem