Thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Nan giải chuyện đất ở, sản xuất

Thứ bảy, ngày 26/04/2014 08:38 AM (GMT+7)
“Các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 1 và 2 chưa có chính sách nào được ban hành mà nguồn lực được bố trí đủ 100% theo đúng chương trình được duyệt, cao nhất chỉ đạt 55%, ngay cả những chương trình lớn như 135, 30a…”.
Bình luận 0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã phân trần như vậy trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những khó khăn gặp phải trong phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào DTTS sáng 25.4.

Giải mã việc thiếu đất

Vấn đề mà nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nhất là việc thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Đại biểu Trần Quang Chiểu nêu vấn đề: Thiếu đất sản xuất, đất ở là một nguyên nhân quan trọng khiến cho đồng bào DTTS khó thoát nghèo. Theo thống kê có tới trên 326.000 hộ dân không có đất ở, đất sản xuất. Vậy, Ủy ban Dân tộc cũng như các bộ, ngành liên quan đã có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử phân tích mấy nguyên nhân chính: Sức ép về dân số do chúng ta không làm tốt kế hoạch hóa gia đình và đời sống khó khăn là 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu đất. Một nguyên nhân nữa là quỹ đất không còn, dẫn đến nạn di cư tự do. “Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý”- ông Phử thừa nhận.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng lật lại vấn đề: Cái này có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương. Không ít đồng bào DTTS bị dụ dỗ, mua chuộc bán đất, cái này là thuộc trách nhiệm tuyên truyền giáo dục của địa phương, ông Phử cũng thẳng thắn nói: Đáng ra phiên điều trần hôm nay phải mời các đồng chí chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy những nơi để xảy ra vi phạm tới đây để giải thích cho rõ. Họ không thể đứng ngoài, như thế là không ổn và sẽ không giải quyết được vấn đề.

Điều hành có vấn đề

Trả lời câu hỏi của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc phân bố đất đai cho đồng bào DTTS, nhất là đất ở các nông lâm trường, Bộ trưởng Phử nói thẳng: Trước đây việc quản lý thuộc Bộ NNPTNT làm, nhưng sau lại giao cho chúng tôi. Mà Ủy ban Dân tộc làm gì có chức năng quản lý đất đai, dù là đất đai của đồng bào DTTS, cái này vẫn thuộc Bộ TNMT chứ. Vậy không có thẩm quyền thì lấy quyền gì thu đất của nông lâm trường để giao cho bà con. Rõ ràng cơ chế điều hành, quản lý của chúng ta cũng có vấn đề”.

"Dự án điện mặt trời mà báo chí nêu tại sao sau gần 1 năm vẫn chưa có kết quả xử lý? Đây là dự án rất quan trọng, lên tới cả tỷ USD nhưng lại không nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý nhà nước. Rõ ràng năng lực quản lý của Uỷ ban Dân tộc với các dự án là có vấn đề và kém. Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ vấn đề này?”
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Nói về giải pháp chấm dứt tình trạng di cư tự do vì thiếu đất ở, đất sản xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị: Chúng ta phải bố trí sắp xếp lại đất đai để các tỉnh có đất chia sẻ cho nơi hết đất. Phải lập quy hoạch rõ ràng những những tỉnh không còn đất (nơi đi) có bao nhiêu hộ dân, những tỉnh còn đất (nơi đến) bố trí được bao nhiêu hộ dân. “Việc này nếu Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, chúng tôi sẽ tham mưu và bắt tay vào làm ngay” - ông Phử khẳng định.

Khá nhiều câu hỏi cũng tập trung vào nguồn lực cho việc thực hiện chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS nhiều nhưng sao vẫn tình trạng nghèo đói vẫn không giảm. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư nêu: Riêng giai đoạn 2005 – 2012, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chính sách giảm nghèo đạt 167.000 tỷ đồng, nhưng các xã nghèo, huyện nghèo, tỷ lệ nghèo vẫn còn rất cao, từ 50 – 60%, thu nhập của bà con đồng bào DTTS bình quân chỉ bằng 30% so với khu vực nông thôn.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết một thực tế khá buồn: Các chính sách cho đồng bào DTTS giai đoạn 1 và 2 chưa có chính sách nào được ban hành mà nguồn lực được bố trí đủ 100% theo đúng chương trình được duyệt, cao nhất chỉ đạt 55%, ngay cả những chương trình lớn như 135, 30a và một số chương trình về giáo dục, y tế khác…”.

Nhân thể, ông Phử cũng đề nghị luôn: Kiến nghị tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nên xem xét bố trí bổ sung đủ vốn cho các chương trình chính sách cho đồng bào DTTS. “Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm của trong vấn đề này, biết là nguồn vốn ngân sách bố trí thấp nhưng không chỉ đạo các cơ quan chức năng phải nâng lên? Chứ một mình tôi là bất khả kháng” - ông Phử thừa nhận.

"Dự án năng lượng mặt trời được triển khai bằng vốn ODA của Phần Lan, nhưng người ta tài trợ hoàn toàn bằng vật tư, không có tiền mặt. Có sai sót trong triển khai thi công, nhưng tham ô tham nhũng thì không có. Chúng tôi đã thanh tra toàn diện và giờ đang chờ ý kiến của Hội đồng kỷ luật kết luận. Ai vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, không bao che."

Bộ trưởng Giàng Seo Phử



Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem