Thực hư thông tin "giang hồ" bảo kê... gặt lúa ở Đắk Lắk

Duy Hậu Thứ hai, ngày 07/05/2018 12:05 PM (GMT+7)
Sáng 7.5, ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết đã chỉ đạo cho Công an xã phối hợp với Công an huyện điều tra làm rõ thông tin về việc xã hội đen bảo kê thu hoạch lúa trên địa bàn.
Bình luận 0

Trước đó, người dân thôn 4B của xã phản ánh những ngày qua khi họ thuê máy gặt đập liên hợp về thu hoạch lúa thì bị đối tượng Đ.V.G (trú thôn 3 cùng xã) đến đe dọa, ngăn cản không cho máy xuống đồng.

img

Người dân thôn 4B, xã Hòa Tiến lo lắng vì không thuê được máy  để gặt lúa.

“Trước đây, chúng tôi thuê máy gặt với giá từ 250.000-300.000 đồng/sào. Tuy nhiên, trong vụ này, Đ.V.G đã ép buộc chúng tôi phải thuê máy của hắn với giá từ 350.000-400.000 đồng/sào. Các máy khác đến thu hoạch lúa đều bị đe dọa, ngăn cấm nên không ai dám xuống đồng"- một người dân bức xúc.

Cũng theo người dân thôn 4B, thực chất Đ.V.G đã thuê máy gặt của người khác rồi nâng giá, buộc dân thuê lại để "ăn" chênh lệch 100.000 đồng/sào. Việc này đã khiến họ hết sức bất an khi lúa trên đồng đã chín rục mà không thể thuê được máy về gặt. Không chỉ thế, khi người dân phản ứng thì có đối tượng đã cố tình tháo nước vào cánh đồng khiến cho việc thu hoạch khó khăn hơn.

Trả lời PV Dân Việt về thông tin trên, ông Thật cho biết, qua tìm hiểu ban đầu thì sự việc không đúng như phản ánh của người dân. Theo ông Thật, sở dĩ có sự chênh lệch lớn về giá máy gặt là do chất lượng máy. "Máy tốt hơn thì gặt sẽ không bị ngã đổ, hao hụt lúa nên giá cao hơn. Còn việc người dân chưa thuê được máy là vì máy ở xa chưa đến kịp chứ không phải bị ngăn cản"- ông Thật nói.

Cũng theo ông Thật, trước đây, vào vụ gặt, người dân tự túc thuê máy về thu hoạch. Do các máy gặt di chuyển tự do, làm hư hỏng đường sá, bờ thửa nên xã đã giao cho các thôn quản lý, giám sát việc thuê máy gặt. Các chủ máy gặt được hợp đồng đến địa bàn thu hoạch lúa phải cam kết sửa chữa lại bờ thửa nếu làm hư hỏng.

Hiện 6/7 thôn đã thực hiện việc này chỉ riêng ở thôn 4B người dân vẫn tự đứng ra thuê máy gặt. Do không có hợp đồng trước nên khi vào cao điểm vụ gặt người dân đã không thuê được máy, dẫn đến bức xúc phản ánh lên xã.

img

Theo lãnh đạo xã Hòa Tiến, sở dĩ người dân không thuê được máy gặt là do không có hợp đồng từ trước chứ không phải bị "giang hồ" ngăn cản.

"Trong vụ này, toàn xã gieo trồng được 146ha lúa, hiện đã thu hoạch được khoảng hơn 65%. Hiện nay, người dân vẫn đang tiếp tục thu hoạch lúa bình thường. Tuy nhiên, để người dân yên tâm, chúng tôi đã cử một tổ công tác phối hợp cùng cơ quan chức năng xuống các thôn xác minh, làm rõ"- ông Thật cho biết.

"Tôi đã đứng ra cam kết bất cứ có trường hợp nào bị ngăn cản thì tôi sẽ trực tiếp đến đưa máy xuống đồng gặt lúa cho dân. Tuy nhiên, từ ngày 4.5 đến nay, sau khi người dân phản ánh, tôi không thấy người dân nói gì nữa"- ông Thật quả quyết.

Ông Thật cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc bảo kê gặt lúa, đích thân ông đã xuống kiểm tra nhưng người dân không có bằng chứng gì cụ thể nên không có cơ sở để xử lý. Do máy gặt ở địa phương khác nên để xác minh làm rõ thông tin này, xã đã mời Công an huyện phối hợp xác minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem