Tiễn Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, ngẫm về cái tiếng để đời

Quốc Phong Thứ năm, ngày 26/09/2019 12:25 PM (GMT+7)
“Có người hỏi tại sao tin tức về ông Nguyễn Văn Bảy sau khi mất lại trở thành hiệu ứng mạnh mẽ như thế trên truyền thông và mạng xã hội? Một vị đại tá anh hùng trong chiến tranh sao so bằng các ông bộ trưởng, tướng to, tướng nhỏ chức sắc danh vị đầy mình? Ngẫm kỹ ra càng thấy chân lý người xưa để lại sâu sắc nhường nào. Dân sẽ thờ người nào vì nước vì dân mà dám hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước…".
Bình luận 0

Tôi vốn đã thần tượng người phi công Nguyễn Văn Bảy - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT), được Nhà nước phong tặng danh hiệu này vào năm 1967, từ trên năm chục năm trước, khi tôi mới hơn 10 tuổi.

Chỉ tiếc một điều, dù làm nghề báo nhiều năm, thế nhưng tôi chưa khi nào được diện kiến ông, được hầu chuyện ông để hiểu và viết về “Một con người  không bình thường”, một phi công trưởng thành từ anh nông dân đặc chất Nam Bộ rồi được ra Bắc đi học và trưởng thành. 

Thế rồi có người bạn tôi lại “ngoặc” sang chuyện khác, so sánh ông với một loạt những ông tướng, ông tá thời bình vừa “ngã ngựa” trong thời gian gần đây và thầm cảm phục và thương nhớ ông hơn. Anh bảo, cũng là người lính cụ Hồ mà sao họ lại khác xa nhau về lối sống, về nhân cách, đạo đức đến vậy?

img

Anh hùng phi công huyền thoại một thời đặc chất Nam Bộ Nguyễn Văn Bảy.

Tác giả Ba thợ tiện (tức nhà báo Hoàng Thoại Châu) - một cây bút thân thiết của báo Lao Động ngày nào hoá ra lại là cháu rể ông Bảy. Anh Thoại Châu mới cho hay, trong biến cố dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của ông Bảy. Đó là việc ông đi vớt lục bình. Ông đi chưa đến nơi thì bị đột quỵ và nằm ngay bên mương nước… Những người dân dưới quê, do quý ông, họ nói: “Ông Bảy sinh từ đất và đã về với đất”.

Nhà báo Hoàng Thoại Châu kể lại một câu chuyện mà ông được nghe như sau: Trong một lần sang Mỹ vào năm 2017, ông Nguyễn Văn Bảy gặp vợ của một phi công Mỹ đã lái chiếc máy bay bị ông bắn rơi năm xưa. Ông Bảy hỏi: “Bà nghĩ gì khi tôi là người đã bắn rơi máy bay và chồng bà may mắn thoát chết?”. Người phụ nữ kia trả lời: “Chiến tranh là vậy. May mắn hôm nay chúng ta được gặp lại nhau”.

“Đối với ông Bảy, kẻ thù đánh giá mình mới là chính xác. Ông Bảy rất bình dị, ông Bảy là con người như thế” - ông Thoại Châu nhận xét.

Còn tôi, tôi lại nghĩ ông ra đi hôm rồi là vừa “về với đất” mà cũng vừa thanh thản “bay về trời” bằng đôi cánh của chú đại bàng hùng dũng từng xông pha trận mạc trên bầu trời năm nào.

Ông Bảy đến với “nghề lính bay” kể cũng thật đặc biệt. Từ người lính bình thường trong chống Pháp, văn hoá chưa hết lớp 3, ông là người trong đoàn cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc. Ông đã phải “học nhồi” ở Trường Văn hoá Quân đội trên Lạng Sơn và được phổ cập thần tốc từ lớp 4 lên lớp 10 nhanh như tên lửa  để quân đội kịp cho đi đào tạo phi công chiến đấu ở Liên Xô (cũ) và ông đã lái máy bay Mig 17 từ đó.

img

Ông Bảy (ngồi hàng đầu ở giữa) chụp ảnh chung với các cựu phi công Mỹ từng gặp nhau trên bầu trời miền Bắc sau hội thảo tại Bảo tàng Hàng không Vũ trụ San Diego năm 2017.

Trong chiến tranh chống Mỹ, theo ông Trần Hồng Sơn - thiếu tá, nguyên Trực ban trưởng Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân phía Nam nói: “Anh Bảy là người kiên cường, bất khuất, luôn vui vẻ ngay cả khi đánh giặc. Trong cuộc sống và trong chiến đấu, anh luôn tự tin. Có lần khi máy bay bị trúng gần 100 phát đạn, anh vẫn không nhảy dù mà bay về đến nơi an toàn, sau đó tiếp tục đánh trận tiếp theo…”.

Trung tướng, AHLLVT  Phạm Phú Thái - nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, là lớp phi công đàn em của ông Bảy, đã bàng hoàng khi được con trai ông Bảy điện ra báo tin ba mình đang hôn mê, khó qua nổi và có thể chỉ vài chục phút nữa là “đi”. 

Anh hùng Phạm Phú Thái nhận xét rằng, “khi nhớ tới anh là chúng tôi nhớ tới người phi công chiến đấu dũng mãnh, kiên cường. Anh là người đồng đội tình nghĩa, thuỷ chung, người chỉ huy gần gũi, chan hoà. Nhớ đến anh là nhớ đến những trận không chiến một mất một còn với Không quân Mỹ mà ở đó không chỉ có lòng quả cảm, tinh thần xả thân là có thể thắng được. Mỗi trận đánh một diễn biến, một hình thái và tình huống khác nhau. Nó đòi hỏi khả năng điêu luyện trong bao quát không gian xung quanh, kỹ năng tuyệt đỉnh trong điều khiển máy bay để giữ được thế trận, để nhanh chóng chọn thời cơ sử dụng tính năng cao nhất của máy bay về tốc độ, khả năng cơ động, sử dụng máy ngắm và vũ khí bám chặt kẻ thù tới cự ly ngon nhất mà xả súng. Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, lại quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Và anh đã 7 lần giành chiến thắng trong những tình huống như vậy trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi”.

Trong chiến đấu thì như vậy. Khi về nghỉ hưu, với quân hàm đại tá và chức vụ Phó Tham mưu trưởng Quân chủng trực chỉ huy ở phía Nam, ông  được thay mặt Tư lệnh trưởng xử lý một số công việc, tức là quyền uy cũng rất lớn, nhưng lối sống của ông lại rất giản dị và đậm chất nông dân Nam Bộ. Sau này, mỗi khi  ra chơi với con trai ở TP, Hồ Chí Minh, ông vẫn quen ngủ võng ngoài trời chứ không chịu nằm máy lạnh...

Ông Bảy vẫn mong muốn khi về hưu là về quê sống với đồng ruộng, cây cỏ, sông rạch như ngày xưa, trước khi ra Bắc đi nước ngoài học lái máy bay chiến đấu. 

Những dòng chia sẻ xúc động đã được đại tá, AH LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) viết vào sổ tang tiễn biệt người em, người đồng đội Nguyễn Văn Bảy: "Mới tháng rồi còn ngồi với nhau ở Tân Bình mà nay em đã đi rồi. Bữa đó em còn kể chuyện tiếu lâm mà anh cười muốn bể bụng".

Ở tuổi 92 nhưng ông Tư Cang vẫn dành lời khen ông Bảy: "Không ai được như em, kẻ thù bên kia đại dương còn khâm phục và thương mến. Trong tình báo có Phạm Xuân Ẩn cũng giống em ở điểm đó. Nay em đã ở trên mây để bay về trời, nơi trước kia em luồn trong mây để bắn máy bay".

img

Đồng đội mặc niệm trước lúc tiễn đưa Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy về đất mẹ.

Trung tướng Phạm Phú Thái đã lý giải cái điều mà qua nay trên mạng xã hội cũng như báo chí đưa tin ông mất một cách trân trọng, cảm phục: “Có người hỏi tại sao tin tức về ông Nguyễn Văn Bảy sau khi mất lại trở thành hiệu ứng mạnh mẽ như thế trên truyền thông và mạng xã hội? Một vị đại tá anh hùng trong chiến tranh sao so bằng các ông bộ trưởng, tướng to, tướng nhỏ chức sắc danh vị đầy mình? Ngẫm kỹ ra càng thấy chân lý người xưa để lại sâu sắc nhường nào. Dân sẽ thờ người nào vì nước vì dân mà dám hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước… Ông và những đồng đội của mình đã vì chúng ta mà sả thân chứ đâu phải vì cái ghế khi sống họ ngồi. Khiêm nhường như khi ông trở thành anh hùng lừng lẫy chiến công, khi mà cấp tướng rất ít ỏi, cấp tá cũng hiếm hoi. Mà hàm đại tá như ông ngày ấy phải thông qua Quốc hội, chứ đâu được nhiều như giờ. Tôi thích ông vì ông sống rất bao dung và luôn thực sự là mình, chứ không lên gân  theo yêu cầu của công tác tuyên truyền. Có lẽ vì vậy ông Bảy sống lâu hơn trong mắt bạn bè, đồng đội và người dân ở bất cứ đâu ông từng sống và nay thì phải đi xa. 

Từ chuyện Anh hùng Không quân Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Bảy huyền thoại vừa thanh thản “bay về trời”, chúng ta lại có dịp để ngẫm ra nhiều điều ở đời. Người ta, khi nằm xuống, đâu cần gì phải có khu mộ táng đẹp đẽ, bề thế hơn người. Cũng cần gì phải có vị trí cao hơn người trong khi chính người đó lại để những điều tiếng không hay cho con cháu, người thân để họ phải im lặng, cay đắng mà nghe thay người nằm xuống thì phỏng có nên không, có yên giấc không? 

 Hãy sống chân chất, thật lòng với đồng đội, bạn bè, người thân, hãy chiến đấu phụng sự nhân dân hết mình như Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, và vui vẻ an phận kiểu như ông già Nam Bộ ấy, thử hỏi liệu còn gì bằng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem