Tiết kiệm, giảm tổn thất điện năng: Thách thức lớn với ngành điện

Mai Hương Thứ hai, ngày 02/02/2015 16:48 PM (GMT+7)
Năm 2015, EVN đã đặt chỉ tiêu tiết kiệm 1,5% sản lượng điện thương phẩm, giảm tổn thất điện năng xuống còn 8%. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đặt ngành điện trước không ít thách thức.
Bình luận 0

Sử dụng điện quá lãng phí

Theo ông Phạm Lê Thanh-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVN, cơ cấu điện năng chưa hợp lý, sử dụng công nghệ lạc hậu... Mặt khác, ý thức sử dụng điện vẫn còn thấp, dẫn đến lãng phí. Ông Thanh nói: “Hiện chúng ta mới tiết kiệm được điện trong dân cư, còn trong sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt. Cơ cấu sử dụng điện ở VN còn rất lãng phí”.

img
Lắp đặt công tơ điện tại phố Hàng Bồ (Hà Nội). Ảnh: Đàm Duy
Theo lãnh đạo EVN, Chính phủ yêu cầu năm 2015 EVN phải đưa tỷ lệ tổn thất điện năng về 8%. Nhưng việc giải bài toán này không hề dễ khi nguồn điện chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, trong khi nguồn tải lại ở miền Nam, truyền tải luôn quá tải trên hệ thống điện.

 

Ông Phạm Lê Thanh nói, năm 2015 ngành điện có thể không đạt được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) về 1,5 lần (năm 2014 là 1,8 lần) và xuống còn 1,0 lần vào năm 2020 do việc sử dụng điện còn rất lãng phí.

Phải có chế tài mạnh!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Nhiệm vụ quan trọng của EVN trong năm 2015 là phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó cần chú ý vấn để tăng năng suất lao động và giảm mức tổn thất điện năng.

Theo Bộ trưởng, năm 2015 là năm giữa kỳ thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội 2010-2020 và là năm chuẩn bị cho đại hội Đảng, tập đoàn phải đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Đối với lưới điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu EVN thường xuyên kiểm tra đường dây 500 kV nhằm tránh xảy ra sự cố lớn gây mất điện các tỉnh phía Nam, cũng như điều tiết một cách hợp lý để có thể huy động các nguồn điện khác ngoài EVN, giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất.

Để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, lãnh đạo EVN cho biết, trong năm 2015, tập đoàn đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức 8%, ưu tiên cao nhất là giao chỉ tiêu đến từng đơn vị thành viên như Tổng công ty truyền tải và Tổng công ty điện lực để khai thác và sử dụng điện hiệu quả, tăng tính khả dụng của đường dây.

"Năm 2015, EVN phấn đấu tiết kiệm 2% trên địa bàn miền Nam, giảm 5% các sự cố so với năm trước và phấn đấu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội"- Chủ tịch EVN Phạm Lê Thanh nói.

Hiện, hệ số đàn hồi của Việt Nam là khoảng 1,8 lần, cao hơn nhiều lần so với thế giới. Nghĩa là để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 6,2% thì ngành điện cần tăng trưởng trên 11%. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp cho điện dần cạn kiệt. Thủy điện cơ bản khai thác hết vào năm 2017; dầu khí cũng đã khai thác khoảng 30%; sản lượng than trong nước ngày càng khó khăn...

Theo ông Phạm Lê Thanh, để nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất điện năng, cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống truyền tải đồng bộ trên cơ sở sử dụng công nghệ mới, hiện đại, thông minh hơn.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hữu ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích và buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất, giấy... Đồng thời phải có các chế tài xử phạt mang tính răn đe những vi phạm về lĩnh vực điện như mất an toàn hành lang lưới điện, kiểm toán, dán nhãn năng lượng...

 Theo quy hoạch điện VII, Chính phủ yêu cầu phải giảm dần hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 lần vào năm 2015 và 1,0 lần vào năm 2020, nhưng hiện nay tăng trưởng điện vẫn gấp đôi tăng trưởng GDP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem