Tinh giản nội dung giáo dục - vừa mừng vừa lo

Tùng Anh Thứ tư, ngày 18/10/2017 06:30 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT vừa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm 2017 – 2018. Ngoài việc tinh giản nhiều nội dung học tập, hướng dẫn của Bộ còn yêu cầu các trường không được dạy nội dung ngoài sách giáo khoa.
Bình luận 0

Giảm gánh nặng kiến thức cho học sinh

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, việc tinh giản nội dung dạy học ngay trong năm học 2017 – 2018 là do chương trình giáo dục phổ thông mới vừa có quyết định lùi tiến độ áp dụng sau một năm. Cụ thể, thời gian bắt đầu triển khai chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc sẽ được bắt đầu với cấp tiểu học từ năm học 2019 – 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 – 2021 và đối với cấp THPT từ năm 2021 – 2022.

Để giảm gánh nặng kiến thức cho học sinh trong thời gian chờ chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GDĐT quyết định tiếp tục giảm tải. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, trong năm học 2017 – 2018 các cơ sở giáo dục phổ thông phải điều chỉnh thêm nội dung dạy học.

img

  Trong khi chờ chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GDĐT yêu cầu tinh giản kiến thức cho học sinh 
(ảnh minh họa). ảnh: Tùng Anh

Cụ thể, Bộ yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa, tiếp tục tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng trong chương trình hiện hành. Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, cần bỏ những nội dung trùng lặp, bổ sung cập nhật những thông tin mới thay thế những thông tin cũ đã lạc hậu. Đặc biệt, không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt và tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa.

Không thể lấy sách giáo khoa làm giới hạn

Bộ nên quy định không được dạy vượt quá những kiến thức tối thiểu học sinh cần có. Sách giáo khoa hiện chỉ được coi là một kênh thông tin, học sinh có rất nhiều kênh khác để tham khảo”.
TS Nguyễn Tùng Lâm

Sau hướng dẫn của Bộ GDĐT nhiều phụ huynh, học sinh “thở phào” vì lượng kiến thức được tinh giản, gánh nặng học tập sẽ bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, không ít giáo viên lại phản hồi về quy định không dạy nội dung trong sách giáo khoa. Các thầy cô cho rằng nếu cấm là chưa hợp lý.

Cô Vũ Minh Hòa – giáo viên THCS tại Vĩnh Phúc chia sẻ, việc tinh giản kiến thức cho học sinh là cần thiết, tuy nhiên, Bộ cấm tuyệt đối dạy các kiến thức ngoài sách giáo khoa là không hợp lý: “Trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm các kiến thức ngoài sách vở. Nếu hạn chế việc giới thiệu cho các em các kiến thức đó thì rất không nên”.

Chia sẻ vấn đề này trên báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, yêu cầu của Bộ GDĐT là học sinh phải biết vận dụng năng lực thực tế, nhưng thực tế là có nhiều nội dung cần thiết không có trong sách giáo khoa, vì vậy giáo viên cần hướng dẫn học sinh hiểu thêm, nếu cấm là không hợp lý.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, trong hướng dẫn, Bộ đưa ra hàng loạt mục tiêu trong đó nhấn mạnh việc tinh giản kiến thức, giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh trong thời gian chờ chương trình mới.

“Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với dữ liệu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ” – ông Nguyễn Xuân Thành giải thích. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem