Tỉnh nghèo vẫn xin làm sân bay

Duy Hậu Thứ năm, ngày 25/01/2018 06:24 AM (GMT+7)
Các nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Nông đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ vào thời điểm này là chưa phù hợp, nhiều khả năng không mang lại hiệu quả. Lý do là tỉnh còn nghèo, nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân chưa nhiều, đặc biệt là Đăk Nông có đến 3 huyện rất gần với sân bay Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).
Bình luận 0

“Đổi quặng bauxite lấy hạ tầng”

Trả lời báo chí hôm 23.1, ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông - cho biết, UBND tỉnh vừa đề xuất Chính phủ bổ sung sân bay lưỡng dụng Nhân Cơ vào quy hoạch chung của quốc gia và đầu tư giai đoạn sau năm 2020, sân bay này vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng đối với vùng Nam Tây Nguyên. Theo phân tích của vị lãnh đạo này, sau khi dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, nhu cầu vận chuyển alumin và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nền công nghiệp nhôm là vô cùng lớn. Nhưng, hạ tầng giao thông của tỉnh hiện phụ thuộc quá lớn vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) nên khó thu hút đầu tư… Cũng theo phân tích của ông Bốn, để tỉnh phát triển thì cần phải có hạ tầng, mà giao thông là quan trọng nhất. Về vốn xây dựng sân bay, ông Bốn đề xuất thực hiện theo hình thức xã hội hóa, đổi quặng bauxite lấy hạ tầng.

img

Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Đăk Nông chỉ cần thiết có sân bay khi mà điều kiện kinh tế của người dân phát triển và Nhà máy Alumin Nhân Cơ (trong ảnh) phát triển.

Tuy nhiên, chiều 24.1, trả lời PV NTNN về vấn đề này, ông Bốn cho rằng việc xây dựng sân bay Nhân Cơ là do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy hoạch, nhưng đến nay các bộ, ngành khác vẫn chưa có ý kiến gì.

Được biết, đầu năm 2016, UBND tỉnh Đăk Nông đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường hàng không Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa hồi tháng 7.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Nguyễn Bốn cũng trực tiếp đề xuất việc xây dựng sân bay Nhân Cơ.

"Nhu cầu đi máy bay của dân sẽ không nhiều"

Khu vực Tây Nguyên hiện có 3 sân bay là Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và Liên Khương (Lâm Đồng). Trong đó, sân bay Pleiku phục vụ người dân Gia Lai và Kon Tum, sân bay Buôn Ma Thuột phục vụ người dân Đăk Lăk và Đăk Nông, riêng sân bay Liên Khương chỉ phục vụ người dân tỉnh Lâm Đồng.

Với dân số khoảng 627 ngàn người, toàn tỉnh Đăk Nông hiện còn hơn 3,5 vạn hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 23,58%). Báo cáo đầu tháng 1.2018 của UBND tỉnh cho thấy, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 41,26 triệu đồng. Theo đánh giá, tăng trưởng kinh tế năm 2017 của tỉnh đạt khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 9,47%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 140% nhờ đóng góp chủ yếu từ sản xuất alumin và thủy điện, tổng thu ngân sách ước đạt 1.850 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách tới hơn 5.690 tỷ đồng.

Theo ông Trần Phương - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông, trên thực tế nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân Đăk Nông không nhiều. Ngoài lý do đây là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì có nhiều lý do khác.

"Hiện nay, nhờ việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, việc đi lại giữa Đăk Nông và TP.HCM trở nên rất thuận lợi và nhanh chóng, chỉ mất vài giờ đồng hồ. Còn người dân nếu có nhu cầu đi Hà Nội cũng sẽ không nhiều. Tôi nghĩ không phải bây giờ, mà nhiều năm sau này nữa, nhu cầu đi máy bay của người dân vẫn không lớn. Hơn nữa, nếu xây dựng sân bay ở Nhân Cơ thì cũng chỉ phục vụ người dân khu vực thị xã Gia Nghĩa và một số huyện lân cận. Còn người dân các huyện phía Nam tỉnh Đăk Nông như Krông Nô, Cư Jút, Đăk Mil sẽ lựa chọn sân bay Buôn Ma Thuột ở tỉnh Đăk Lăk để đi vì thuận tiện hơn, gần hơn là đến sân bay Nhân Cơ. Không chỉ thế, tâm lý của người có nhu cầu đi máy bay là không thích chờ đợi, vì thế nếu trong tuần chỉ có một vài chuyến bay thì chắc chắn sẽ không thu hút được khách. Ví dụ như ở sân bay Buôn Ma Thuột, chỉ sau một thời gian ngắn, tuyến bay Buôn Ma Thuột - Chu Lai phải đóng cửa do không có khách. Ngay cả người dân Quảng Nam cũng vẫn thích lựa chọn sân bay quốc tế Đà Nẵng hơn là sân bay Chu Lai ở tỉnh mình" - ông Phương phân tích. 

Cũng theo ông Phương, việc đầu tư sân bay Nhân Cơ trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Đăk Nông, nhất là sự phát triển của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Nếu nhà máy này phát triển tốt sẽ kéo theo những ngành công nghiệp phụ trợ khác phát triển, đến lúc ấy mới thực sự có nhiều người có nhu cầu đi lại bằng máy bay. Vì thế, ông Phương cho rằng tỉnh Đăk Nông cần xem xét kỹ càng trước khi đầu tư dự án sân bay này.

Ông Nguyễn Đức Luyện - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông - cũng cho rằng, việc đầu tư sân bay Nhân Cơ chỉ cần thiết khi Khu công nghiệp Nhân Cơ phát triển. Còn ở thời điểm hiện nay, nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân chưa cao. Hơn nữa, cách thị xã Gia Nghĩa chỉ 130km, với đường đi hết sức thuận tiện, sân bay Buôn Ma Thuột hằng ngày đều có các chuyến bay đến các thành phố lớn trong cả nước. Cũng theo ông Luyện, việc đầu tư cơ sở hạ tầng càng nhiều thì càng tốt, vì như thế sẽ thu hút được đầu tư vào tỉnh, song nếu đầu tư đúng thời điểm thì hiệu quả mới được phát huy tốt nhất.

Cùng quan điểm, chị Hồ Diệu Thức - một doanh nhân ở Đăk Nông thường xuyên đi Hà Nội - cho biết: "Tôi thường xuyên đi Hà Nội bằng máy bay. Nhưng nếu tỉnh Đăk Nông đầu tư sân bay mà không có chuyến bay hằng ngày đến Hà Nội thì tôi sẽ lên sân bay Buôn Ma Thuột chứ không thể đợi được. Hơn nữa, hiện nay việc di chuyển lên Buôn Ma Thuột cũng khá thuận lợi, chỉ mất chừng hơn 2 giờ là đến rồi". /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem