Tình người ở “shop 0 đồng”

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 12/01/2018 06:20 AM (GMT+7)
Hàng loạt “shop quần áo 0 đồng” mọc lên, cho thấy làng quê lúc này thấm đượm nghĩa tình, nhất là khi xuân đang đến.
Bình luận 0

Tờ mờ sáng, vài thanh niên lục đục đẩy chiếc “tủ quần áo 0 đồng” ra trước sân Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giuộc (Long An). Sau khi cố định chiếc tủ, họ bắt đầu xếp ngăn nắp quần áo người lớn, trẻ em vào các kệ khác nhau và hăm hở chờ bệnh nhân nghèo đến lấy.

Mang tết sớm đến tha nhân…

img

Đông đảo bà con nghèo đến nhận quần áo của “shop 0 đồng” đặt tại Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc. Ảnh: T.Đ

“Shop 0 đồng” tại Cần Giuộc không đặt cố định mà lưu động tới các địa phương trên địa bàn huyện. Hơn một tháng hoạt động chính thức, shop này đã được luân chuyển đến các xã: Long An, Phước Vĩnh Đông và thị trấn Cần Giuộc.“Từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ luân chuyển “shop 0 đồng” đi tặng quần áo mới và kết hợp cắt tóc miễn phí cho người dân 2 xã vùng thượng và 2 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Hy vọng sẽ góp chút niềm vui để bà con khó khăn vui xuân” - chị Thảo Phương nói.

Cụ Một (Trần Thị Ngọc Bạch, 72 tuổi, ấp Long Phú, xã Tân Kim) nặng nhọc từng bước đến chiếc tủ  quần áo miễn phí. Đưa cánh tay lủng lẳng chiếc kim truyền tĩnh mạch, cụ tìm mớ quần áo xếp trên kệ. Cứ thấy quần áo mới của phụ nữ và trẻ con thì cụ cuộn vào lòng.

Cám cảnh, tôi cứ đứng nhìn cụ mãi. Thấy tôi nhìn chăm chăm, cụ Một buông nụ cười móm mém rồi nói: “Nhà nghèo quá mà thằng con trai cứ mỗi khi đánh vợ là đốt hết quần áo vợ con. Tui bệnh nằm liệt giường nhưng nghe mấy bệnh nhân cùng phòng nói có tủ quần áo miễn phí này nên xuống lựa mớ đồ cho con dâu, cháu nội. Tội nghiệp mẹ con nó!”.

Tết đang phả hơi hóm sau gáy, cũng là lúc các “shop 0 đồng” ở miền quê tăng cường đồ mới cho người nghèo. Ấy vậy mà hôm nay cụ Một mới có nhiều lựa chọn quần áo mới tại shop.

Chị Đỗ Thị Thảo Phương – Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc, người trực tiếp tổ chức “shop 0 đồng” tại đây cho biết, khác với mọi khi, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, “shop 0 đồng” sẽ có thêm đồ mới cho bà con nghèo lựa chọn để chuẩn bị đón tết.

Tại “shop 0 đồng” ở xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai) tinh thần mang tết sớm đến với tha nhân cũng đang thực hiện. Chị Nguyễn Thị Kim Chung – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai), người đang tổ chức một “shop 0 đồng” tại địa phương cho biết, hiện có khá nhiều đồ mới do các tiểu thương trên địa bàn đóng góp để giúp người nghèo có quần áo mới đón tết năm nay.

img

Cụ Một lựa quần áo mới cho con dâu và cháu nội của “shop 0 đồng” ở Cần Giuộc. Ảnh: T.Đ

Một phần số đồ mới này cũng được đưa đến “shop 0 đồng” đặt tại nhà văn hóa ấp Hưng Nhơn (xã Hưng Lộc). Trong một góc “shop 0 đồng”, chị Trần Thị Mến đang tìm mớ quần áo mới. Chị Mến cho biết, quê ở Huế vào Đồng Nai làm công nhân may mấy năm nay. “Thu nhập hằng tháng của công nhân may không cao nên cả gia đình sống chật vật lắm. Vừa rồi nghe mấy chị bạn cùng công ty nói ở đây có shop quần ao miễn phí nên ra tìm vài bộ” - chị Mến thổ lộ.

Thật ra, chị Mến không chỉ tìm quần áo cho mình mà hôm nay chị còn lấy thêm cho người khác. “Tôi đang tìm thêm quần áo mới cho bà con ở quê đang oằn mình với các cơn bão, lũ. Họ đang rất khốn khổ. Tết năm nay có lẽ ở quê sẽ rất buồn, rất thiếu thốn. Vài bộ đồ mới gửi về quê giúp họ ấm lòng hơn trong mấy ngày tết” - chị Mến chia sẻ.

Chị Chung cho biết, không nên quan tâm ai đến lấy và lấy bao nhiêu đồ. “Chúng tôi tâm niệm khi làm việc này là luôn mở rộng vòng tay với mọi người. Có cần họ mới lấy” - chị nói.

Cho làng xóm thêm nghĩa tình

Có thể nhận thấy, gần đây phong trào “shop 0 đồng” đang lan tỏa tại nhiều vùng quê phía Nam. Hiện tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 4 xã với 5 “shop 0 đồng” đã được hình thành.  Mới đây, trong một lần công tác tại thị trấn vùng lũ Tân Hưng  (Long An), tôi bắt gặp một “shop 0 đồng” nằm nép trên con phố nhỏ. Chị Trần Thị Ngọc Duyên - chủ shop cho biết, thấy người dân nơi đây còn lam lũ quá nên vận động người thân trong gia đình gom góp đồ cũ gửi bà con khó khăn.

Sau này, quần áo của shop được Câu lạc bộ Thiện Tâm (TP.Tân An) hỗ trợ thêm. Quần áo sau khi nhận được, chị Duyên và gia đình phân loại, giặt sạch trước khi đem ra tủ để bà con sử dụng.

Cám cảnh người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc là cảm xúc khởi đầu cho việc hình thành các “shop 0 đồng”. Chị Chung thổ lộ, trong một lần bắt gặp một người phụ nữ miền Tây Nam Bộ dẫn mấy đứa con lôi thôi, lếch thếch đi xin việc đã cầm lòng không đặng mà về vận động người quen quần áo mở “shop 0 đồng”.

“Tôi về bàn với Đảng ủy xã, chú Hiền (ông Nguyễn Văn Hiền – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc) gật đầu: “Làm đi, chú ủng hộ”. Thế là tôi rủ thêm mấy chị em hội phụ nữ bắt tay vào làm nhằm mục đích kết nối những yêu thương” - chị cho biết.

Hôm tại UBND xã Hưng Lộc, ngồi trao đổi với với ông Hiền về việc ủng hộ mở “shop 0 đồng”, ông cười khà khà: “Tính đến nay, tôi đã đóng góp 4 bao quần áo cho shop. Giờ cứ thấy vợ, con dư thừa quần áo thì tôi gom bỏ bao mang đi cho. Nói gì thì nói, một số bà con trên địa bàn đời sống vẫn còn khó khăn, nhất là những người từ nơi khác đến tìm việc” - ông Hiền tâm sự.

Nếu như ở các “shop 0 đồng” khác, nguồn hàng chủ yếu vận động từ các tiểu thương bán quần áo, vải vóc… thì tại thị trấn Cần Giuộc, chị Thảo Phương vận động từ các liên đội, trường học, xã đoàn với tiêu chí quần áo còn giá trị sử dụng cao và giặt sạch trước khi quyên góp. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, chị Thảo Phương còn nhận quyên góp của các mạnh thường quân.

Theo chị Thảo Phương, quần áo sau khi nhận về, thành viên của “shop 0 đồng” sẽ lựa chọn, phân loại, xếp gọn trước khi đặt ở tủ áo tình thương cho người dân đến lấy. Chị Phương thổ lộ: “Ban đầu cũng e ngại vì quần áo qua sử dụng. Cứ nghĩ mọi người không ai cần đến nhưng khi triển khai mô hình mới thấy rất nhiều người cần và mô hình phát huy được hiệu quả. Được thấy bà con đông đảo đến nhận đồ là niềm vui khôn tả với mọi thành viên của shop”.

Bà Bùi Thị Chanh (thị trấn Cần Giuộc, Long An) cho biết, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa đã khó nên quần áo không nhiều. Từ khi thị trấn có đặt “shop 0 đồng”, thi thoảng bà đến lựa chọn những bộ trang phục phù hợp với bản thân, cho chồng con. Nhiều bộ quần áo bà được nhận còn chưa bóc tem nhãn.

Được biết, “shop 0 đồng” tại Cần Giuộc không đặt cố định mà lưu động tới các địa phương trên địa bàn huyện. Hơn một tháng hoạt động chính thức, shop này đã được luân chuyển đến các xã: Long An, Phước Vĩnh Đông và thị trấn Cần Giuộc.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ luân chuyển “shop 0 đồng” đi tặng quần áo mới và kết hợp cắt tóc miễn phí cho người dân 2 xã vùng thượng và 2 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Hy vọng sẽ góp chút niềm vui để bà con khó khăn vui xuân” - chị Thảo Phương nói, trước khi chia tay chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem