Tổ quốc của con

Vi Thùy Linh Thứ ba, ngày 10/09/2019 20:40 PM (GMT+7)
Là sự tình cờ hay thiên duyên lịch sử mà Quốc khánh Việt Nam lại đúng mùa Thu, mùa tựu trường của học sinh nhiều nước trên thế giới, mùa đẹp nhất nơi Thủ đô yêu dấu của tôi.
Bình luận 0

Bởi Cách mạng tháng Tám và ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9) vào mùa Thu năm 1945, nên tài liệu lịch sử lẫn các tác phẩm nghệ thuật đều đặt tên thêm cho mùa Thu là "Mùa Cách mạng" hay "Mùa Thu cách mạng".

Chắc không dịp nào hợp lễ hơn trong năm, để nói về lòng yêu nước, hơn là Quốc khánh. Yêu nước, với tôi, không phải chỉ là các khái niệm, tuyên ngôn lớn lao, mà từ những điều bé nhỏ tôi đã xúc động biết bao khi lần đầu thấy quốc kỳ Việt Nam trên má 2 con của mình, vào mùa Đông năm 2018. Khi đến đón con cuối buổi chiều tại trường mầm non, tôi thấy các con ngồi quây quần bên cô giáo và bạn cùng trường xem bóng đá, đội tuyển Việt Nam vào chung kết giải vô địch U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc. Cầu thủ Việt Nam đá bóng không phải là chơi, không chỉ là thi đấu thể thao mà thực sự chiến đấu vì quốc thể, vì vinh quang Việt Nam, vì màu cờ, sắc áo... Hai bé nhà tôi, má hồng vì nẻ khi tiết lạnh, lại đỏ thêm vì các cô dán lá cờ nhỏ trên má. Con gái tôi lúc ấy gần 4 tuổi, con trai mới hơn tuổi rưỡi cũng hô to (ngọng nghịu): "Việt Nam vô địch!".

img

Em bé hào hứng chụp ảnh với cờ Tổ quốc. (ảnh: Đăng Long)

Từ bấy đến nay, mỗi lần xem ti vi thấy cờ Việt Nam trên màn ảnh, dù chỉ nhỏ ở góc màn hình, hễ gặp cầu thủ đội nhà mặc áo đỏ, hai cháu đều hét vang: "Việt Nam vô địch!" . Hình ảnh lá cờ in trong tâm trí non nớt của con và được "tô đậm" thêm khi hầu như tối nào, thay phiên nhau, trên kênh truyền hình dành cho thiếu nhi cũng phát sóng bài "Cờ đỏ sao vàng" hoặc "Chú bộ đội" ngôi sao trên mũ, áo các chú bộ đội, con tôi đã rất nhớ.

Cháu đòi mẹ kê bàn ra giữa nhà, leo lên "sân khấu nhỏ", hát và làm động tác giống chú bộ đội chào, hành quân; hát theo đúng lời, giai điệu. Mỗi lần về Hải Phòng quê ngoại, tôi đều đưa các con qua cổng doanh trại Hải quân trên đường Điện Biên Phủ - Lý Tự Trọng (quận Hồng Bàng) để con ngắm nhìn, chào hỏi các chú bộ đội. Cháu được mẹ giải thích về các danh từ để hiểu về nhiệm vụ của các chú (theo quân chủng). Thu 2020, con gái tôi vào lớp 1. Rồi cháu sẽ được học hát Quốc ca, chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Tổ quốc của các con, trên bản đồ mẹ chỉ, trên cờ đỏ con vẫy khi hòa vào dòng người xem bắn pháo hoa, đón chào các cầu thủ bóng đá nam chiến thắng trở về...

Tháng 4/2016, tôi được mời dự trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Nhà khách T20, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Tôi có xin phép Trưởng Ban tổ chức trại cho tôi đem theo chồng con vì con gái tôi mới hơn 1 tuổi, không thể xa mẹ 2 tuần, nhờ chồng đồng hành để trông con, giúp đỡ. Chúng tôi được thăm bảo tàng, giao lưu với các đơn vị quân đội  ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Khi bế con đứng ngắm biển những buổi chiều êm đềm trên tầng 8 khách sạn Hải Âu ở Quy Nhơn tháng 12/2015, tôi đã nghĩ (Thực ra là quả quyết): Nhất định con lớn lên, sẽ cho con du học Pháp, phiêu du khắp châu Âu, nhưng các con sẽ cùng mẹ đi xuyên Việt bằng tàu hỏa khi lớn hơn, và cùng mẹ khám phá đất nước mình đến những nơi địa đầu hay tận cùng Tổ quốc, như Hà Giang, Cà Mau và cả Cao Bằng yêu dấu mà mẹ còn thiếu sót, mắc nợ. Mẹ muốn trải nghiệm và tạo dựng kỷ niệm ấy với Tổ quốc vĩ đại, lớn lao, đã sinh thành, nuôi dưỡng, chở che bao thế hệ người, mà con dân nước Việt sẽ chẳng khi nào thỏa lòng, thấy thôi "mắc nợ" lịch sử tiền nhân, những bậc anh hùng khí phách trung kiên khiến thế giới phải nghiêng mình kính nể, chưa khi nào "báo hiếu" đủ đấng thiêng liêng - Tổ quốc muôn đời.

Tôi đã lặng người khi xem clip, lắng nghe ca khúc Người Việt Nam của Thiếu tướng, nhà điêu khắc, nhạc sĩ Trần Gia Cường với nhịp điệu hùng tráng, tự hào: "Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, góp sức chung tay ta xây dựng cuộc sống/Biển Việt Nam muôn đời thanh bình/Đất nước cha ông thêm một lần dậy sóng/ Bạch Đằng Giang muôn ngàn lớp sóng/Tiếng trống Chi Lăng vang vọng oai hùng/Dậy mà đi, con Lạc cháu Hồng/Đất nước thân yêu thêm một lần rỉ máu/Người Việt Nam sẵn sàng tranh đấu/Đất nước lâm nguy kết liên lại Việt Nam/Trường Sa - Việt Nam, Hoàng Sa - Việt Nam...".

Tôi chỉ là một người con bé nhỏ trong lòng Tổ quốc Việt Nam của tôi. Ôm hai con trong lòng, đôi tay tí xíu tô lá cờ Việt Nam trong cuốn tập tô mầu, tôi thầm ước mơ về các con khi trưởng thành sẽ là những người ưu tú. Yêu nước đền ơn Tổ quốc, chính là làm người tử tế, lao động, cống hiến để cái tên mình không nhòa nhạt, để gây dấu ấn, vang xa. Khi mỗi danh từ riêng, mỗi cái tên được gắn với tên nước, như những nghệ sĩ, nhà khoa học, vận động viên... đoạt giải cao trên đấu trường quốc tế, là lúc Tổ quốc được tôn vinh. Hãy tự tin, chủ động, mãnh liệt khát vọng vươn xa, chứ không chờ "Tổ quốc gọi tên mình" (*)

* Thơ Nguyễn Phan Quế Mai

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem