Tòa cho Vũ “nhôm” ngồi viết lời khai khi đang xử có đúng quy định?

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 04/12/2018 14:15 PM (GMT+7)
Khi phiên tòa đang tiến hành thẩm vấn các bị cáo, một bị cáo được HĐXX cho ngồi viết lời khai như trường hợp của Vũ “nhôm” là rất hiếm gặp, việc này có đúng quy định của pháp luật?
Bình luận 0

img

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", ảnh Zing.vn).

Sáng ngày 3.12 trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, luật sư của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đã chuyển lời của thân chủ mong muốn được HĐXX cho phép ngồi ghi các ý kiến sẽ trình bày tại tòa.

Đề nghị này được HĐXX chấp nhận. Sau đó thư ký phiên tòa đã chuẩn bị giấy, bút để bị cáo Vũ "nhôm" chuyển lên phía trên ngồi vào bàn và viết. Bị cáo này đã viết khá dài với gần 10 trang giấy trong gần một tiếng đồng hồ với sự giám sát của cảnh sát. Trong khi các bị cáo khác trong vụ án vẫn tiếp tục trả lời thẩm vấn.

Việc bị cáo không khai lại ngồi viết lời khai tại tòa như trường hợp của Vũ “nhôm” là rất hiếm gặp trong các phiên xử, việc này có đúng quy định của pháp luật?. Theo ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, đối với trường hợp bình thường, khi HĐXX lấy lời khai, có thể bị cáo bị đau họng hay một bệnh gì đó không nói được thì có thể trình bày lời khai trên giấy, sau đó HĐXX sẽ công bố lời khai này tại tòa.

Còn với trường hợp Vũ “nhôm” có thể HĐXX thấy có điều gì bí mật cần giữ kín để nghiên cứu xử lý, tránh việc tẩu tán nên cho bị cáo này ngồi viết. Nhưng khi tuyên án ở phần nhận định HĐXX sẽ đề cập tới nội dung bị cáo đã viết ra đó. “Đây là cách điều hành của HĐXX hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Phương cho biết.

Vẫn theo ông Phương, nếu trường hợp nội dung lời khai từ việc viết tay của bị cáo là dạng tin báo tố giác tội phạm và xét thấy có căn cứ thì khi tuyên án HĐXX sẽ đưa nhận định có việc như vậy và kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xử lý. Còn nội dung chỉ là dạng kêu oan cho bị cáo thì sẽ được HĐXX công bố để còn tiến hành tranh tụng.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Bị cáo có quyền:

a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

b) Tham gia phiên tòa;

c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Bị cáo có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem