Tổng kết thiệt hại do bão số 8 gây ra

Thứ ba, ngày 30/10/2012 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tính đến 16 giờ ngày 29.10, bão đã làm 4 người chết, 4 người mất tích và 13 người bị thương; làm hơn 5.000 nhà, 6.200ha lúa hư hại...
Bình luận 0

Sáng 29.10, sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 8 đã làm sập 11 nhà và 5.073 nhà tốc mái, hư hỏng (Hải Phòng 2.896, Thanh Hóa 2.172...). Diện tích lúa bị ngập, hư hại là 6.291ha (Nam Định 5.810; Hà Tĩnh 361); hoa màu bị ngập và hư hại 17.625ha (Nam Định: 12.800, Hải Phòng: 4.825...). Có 36 tàu bị chìm (Quảng Ninh 1; Hải Phòng 20; Nam Định 14; Thanh Hoá 1)...

img
Nhà máy sản xuất bóng điện (Công ty Neo –leon Việt Nam) thuộc Khu công nghiệp Gia Lễ - TP. Thái Bình bị bão quật nát.

Quảng Ninh: Cứu sống 15 người

Bão số 8 mang theo mưa to và gió cấp 8 đến 10, giật cấp 11, cấp 12 từ đêm 28 kéo dài đến sáng 29.10 khiến nhiều cây cối của TP. Hạ Long bị đổ; hiện tượng ngập sâu đến gần 1m đã xảy ra trên nhiều tuyến phố. Bão đã làm 1 tàu du lịch neo đậu ở khu Cái Dăm - Hạ Long bị chìm, rất may 7 người trên tàu đã được đưa lên bờ an toàn.

Tại huyện Vân Đồn, lực lượng chức năng và người dân địa phương nỗ lực cứu được 8 người gồm 5 người trên bè nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ và 3 người trôi dạt của một công ty. Toàn huyện có 3 tàu đắm, trong đó có 2 người hiện mất tích trên tàu QN 6807 tại khu vực xã Ngọc Vừng, 2 tàu còn lại đắm tại xã Minh Châu.

Thái Bình: 2 tàu lớn đâm hỏng cầu Diêm Điền

Theo ông Trần Xuân Nhuệ - Chủ tịch UBND huyện Thái Thuỵ, trong đêm 28.10, khi bão số 8 giật cấp 15, cầu Diêm Điền đã bị 2 con tàu có tải trọng khoảng 2.000 tấn đậu gần đó bị giật đứt neo, trôi và đâm liên tiếp vào khiến hơn 10m thân cầu vỡ nát, hất tung xuống sông.

Ở hai đầu cầu, người không qua được từ sáng đứng chật cứng. Toàn bộ cây cối trong công viên và khắp các tuyến đường phố của TP. Thái Bình bị bão quật đổ, nước ngập lênh láng. Nhiều cột điện bị đổ, gãy nên toàn tỉnh Thái Bình mất điện cục bộ từ đêm ngày 28, đến chiều 29.10 mới cấp lại cho một số nơi.

Nhà mạng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Theo thông tin ban đầu từ VNPT, bão số 8 đã làm 161 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) ở Quảng Ninh bị mất điện lưới, phải xử lý bằng chạy máy phát điện. Tại Nam Định có 17 trạm BTS bị đổ gãy và hàng nghìn cột treo cáp quang và cáp đồng đến các xã hư hỏng nặng. Trên địa bàn các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng đã bị đổ một số cột ăngten tại các trạm BTS, đứt một số đoạn cáp quang do cây đổ, cột đổ... Tại Ninh Bình, ông Trần Đức Mạnh-Phó phòng Viễn thông Sở TTTT Ninh Bình cho biết bão số 8 đã khiến 30 trạm BTS không hoạt động được; 60 cột treo cáp bị gãy, 160 cột bị nghiêng, 25 tuyến cáp quang và 61 tuyến cáp đồng bị đứt... Thanh Hà

Thanh Hóa: Thiệt hại hơn 250 tỷ đồng

Chiều 29.10, thông tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bão số 8 đã làm đổ 3 căn nhà; tốc mái: 2.172 nhà và 3 phòng học. Bão cũng đã gây đổ, gãy 3.640 ha ngô vụ đông; 1.136 ha cây đậu tương bị giập nát; 2.446 ha hoa màu các loại bị giập, hư hỏng; 2 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân bị hư hỏng và chìm… Ước tính thiệt hại ban đầu do bão số 8 gây ra hơn 257 tỷ đồng.

Ninh Bình: Tan tác nhiều vùng nuôi thủy sản

Thiệt hại nặng nề nhất của Ninh Bình là các khu vực đầm ngao, đầm tôm ngoài đê của người dân. Cụ thể, bão đã làm đổ, tốc mái 7.220 lều chòi, nhà cửa, trong đó huyện Kim Sơn có 4.961 lều, chòi vùng bãi bồi ven biển và nhà cấp 4; huyện Yên Khánh 2.000 nhà cấp 4... Khoảng 5.392ha cây vụ đông bi hư hỏng và ảnh hưởng đến 300ha ngao, đổ gãy 5.058 cây ăn quả, cây lấy gỗ.

Trong ngày 29.10. huyện Kim Sơn vẫn chưa khắc phục xong sự cố mất điện trên diện rộng, hầu hết các trường học vẫn đóng cửa để khắc phục sự cố sau bão.

Hải Phòng: Thiệt hại nặng do dân chủ quan” (?)

Theo Ban PCLB-TKCN TP. Hải Phòng, đến 17 giờ ngày 29.10 bão số 8 làm 1 người chết là anh Nguyễn Văn Tình (SN 1987, trú tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải) 1 người bị mất tích là anh Ngô Bá Quang (SN 1971, quê Nam Định); 9 người bị thương.

Về tài sản, bão số 8 làm 3.599 nhà bị tốc mái; 47 phương tiện tàu thuyền bị chìm (riêng Cát Hải 20 tàu) 6.200ha lúa bị đổ, ngập úng; 503 trang trại bị sập và tốc mái; hàng chục km đê hư hại... Ước tổng thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Chị Hà Thị Hệ - chủ nhà hàng nổi và nuôi thủy sản Quang Anh cho biết, toàn bộ nhà nổi và tài sản trên bè của nhà hàng bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Chị Hệ cho rằng do thông tin về dự báo thời tiết không chuẩn và chính quyền địa phương không thông tin cho dân về cơn bão này, khiến hầu hết mọi người đều chủ quan.

Tuy nhiên, trưa 29.10, tại buổi thông tin về tình hình hậu quả do bão gây ra, một số cán bộ TP. Hải Phòng lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên tại huyện là do dân lơ là, chủ quan với bão (?!).

Tháp truyền hình cao 180m sập hoàn toàn

Vào lúc 20 giờ 40 phút ngày 28.10, gió bão giật mạnh khiến tháp Truyền hình Nam Định bị sập hoàn toàn. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, bị gãy ở vị trí cách mặt đất 20m.

img
 

Tháp cao 180m, được đưa vào sử dụng năm 2010, với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Tháp tiếp sóng các kênh VTV2, VTV3, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh của Truyền hình An Viên cho cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sự cố khiến các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam không xem được các kênh trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem