TP.HCM: Tăng thu nhập cho cán bộ, lo “ai cũng hoàn thành tốt”

Hồ Văn Thứ sáu, ngày 02/03/2018 16:21 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức là cần thiết, nhưng phải theo hiệu quả công việc, không cào bằng mới tạo được động lực làm việc.
Bình luận 0

Ngày 2.3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

img

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn

Tại hội nghị, PGS.TS Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, đề án nhằm tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, tuy nhiên chưa tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị. Ông cho rằng, nên phân chia các đơn vị thành 3 nhóm theo thành tích công việc để áp dụng mức tăng thu nhập cao nhất là 1,8 lần, chứ không cần đợi đến năm 2020 như đề án.

img

TS Võ Trí Hảo phát biểu ý kiến tại buổi phản biện. Ảnh: Hồ Văn

"Theo đó, nhóm đầu sẽ được hưởng mức thu nhập tăng thêm là 1,8 lần, nhóm giữa là 1,2 lần và nhóm cuối là 0,6 lần. Thành phố phải tính toán, đưa ra tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của các đơn vị một cách khoa học, hợp lý", ông Hảo nói.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM băn khoăn chuyện làm sao để tránh “cào bằng”, đảm bảo công bằng trong đánh giá cán bộ, công chức. Quy trình đánh giá cán bộ hiện nay rất phức tạp, do đó khi triển khai đề án sẽ xuất hiện nhiều vấn đề tâm tư, cán bộ, công chức lo đánh giá không công bằng.

img

TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc đánh giá sẽ có bất cập, khó công bằng. Ảnh: Hồ Văn

“Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá cán bộ làm sao, quyền người đứng đầu như thế nào để đảm bảo công bằng. Chứ có khi “giàu” rồi lại mất đoàn kết, tăng thu nhập thì lại đánh giá không tốt, rồi làm hoạt động hạn chế. Tôi nghĩ phải có thêm đề án đánh giá cán bộ, công chức kèm theo đề án này”, ông Ngân đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Châu Minh Tỷ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM lo ngại cách đánh giá cán bộ mang “tính chất bình quân”, người giỏi cũng được, người yếu cũng vậy là bất hợp lý.

Về ý kiến phân loại các đơn vị thành phố thành 3 nhóm để tăng chi thu nhập, ông Tỷ nói: “Chúng ta không nên đánh giá bình quân mà phải cá thể hóa cán bộ, công chức. Vì đơn vị yếu kém thì vẫn có cán bộ làm việc hiệu quả, đơn vị hoàn thành công việc tốt nhưng vẫn có cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị có tiêu chí đánh giá hợp lý, nếu đánh giá chung chung thì ai cũng hoàn thành nhiệm vụ tốt, rất khó phân loại, đánh giá cán bộ.

Ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, tiền công (Sở LĐTB&XH TP.HCM) đề nghị phân tích thêm cho từng đối tượng, phải phân loại cán bộ để chi tăng thu hợp lý, tạo động lực làm việc. “Tôi e rằng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ là được tăng thu nhập thì ai cũng tốt hết vì câu chuyện dĩ hòa vi quý”, ông Năm nói.

img

Ông Nguyễn Tất Năm - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sợ rằng việc đánh giá sẽ cào bằng. Ảnh: Hồ Văn

Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu về tiêu chí đánh giá cán bộ, vai trò thủ trưởng đơn vị, ông Đỗ Văn Đạo - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện nay công tác đánh giá cán bộ là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị theo hướng dẫn của Trung ương, thành phố. Do đó, ông mong các đại biểu chia sẻ.

“Chúng ta biết vấn đề lương và thu nhập hiện nay còn nhiều bất cập. Thời gian tới, Sở nghiên cứu để đánh giá sát hơn với nhiệm vụ, công việc của cán bộ, công chức. Việc bình chọn dễ “dĩ hòa di quý”, chúng ta phải có cách làm khoa học hơn. Vai trò quan trọng trong đánh giá cán bộ là sự công tâm, quán xuyến của thủ trưởng cơ quan”, ông Đạo nói.

Năm 2018, TP.HCM dự kiến chi 2.342 tỷ đồng tăng thu nhập cho cán bộ

Dự kiến, đề án trên sẽ được trình lên HĐND TP.HCM tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3. Đây là đề án nằm trong số 21 nội dung, đề án của UBND TP.HCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và đến năm 2020 thì tăng thêm 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Đối tượng được chi trả thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được cơ quan thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nguyên tắc thực hiện chính sách chi trả tăng thêm đảm bảo “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”. Việc chi trả căn cứ vào kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức. Hiện TP.HCM có 11.645 công chức, 122.157 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, dự kiến nhu cầu kinh phí để tăng thu nhập năm 2018 là hơn 2.342 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem