Treo cổ trâu trong tiếng reo phấn khích là rất tàn ác, cần lên án

Đình Thắng Thứ hai, ngày 06/02/2017 16:09 PM (GMT+7)
Phó giáo sư, tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tại Việt Nam khi xem hình ảnh, clip treo cổ trâu ở Lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho rằng, những hành động treo cổ trâu, hò reo trong tiếng phấn khích cần phải bị lên án.
Bình luận 0

Mới đây hình ảnh, clip một con trâu bị người dân treo cổ trên cây cao cho đến chết mới được hạ xuống đất được cư dân mạng chia sẻ một cách chóng mặt. Theo chia sẻ, hình ảnh trên được ghi lại trong Lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

img

Phó giáo sư, tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tại Việt Nam.

Hình ảnh trong clip cho thấy, một con trâu đen được người dân buộc thừng dắt đến gốc cây, sau đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to cho đến khi con trâu chết.

Ngay sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, đoạn clip trên thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng những hình ảnh trong lễ hội này quá dã man, và nên thay thế bằng hình thức khác hoặc chỉ thực hiện hành động tượng trưng trong lễ hội thì sẽ hợp lý và nhân văn hơn. 

Những hình ảnh trên được cho là ghi lại từ năm 2014. Tuy nhiên mới đây, trao đổi với một số cơ quan báo chí, đại diện Phòng Văn hoá Thông tin huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, lễ hội treo cổ trâu vẫn được tổ chức thường niên vì đó là lễ hội lâu đời của người dân ở xã Đông Cuông.

Trao đổi với Dân Việt chiều 6.2 về lễ hội treo cổ trâu ở Yên Bái cũng như các lễ hội hiến tế tương tự ở Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Tuấn Bendixsen cho biết: “Các nghi lễ hiến sinh có sử dụng động vật, như treo trâu, đâm trâu hay chém lợn… trong các lễ hội đều có điểm chung là mang tính ngược đãi, tàn ác đối với động vật, và không còn phù hợp trong xã hội văn minh. Những lễ hội này đều đang bị phản ánh và lên án không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới và đang dần được thay thế hoặc chấm dứt”.

Theo quan điểm của Phó giáo sư, tiến sĩ Tuấn Bendixsen, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về việc nên hay không nên duy trì các lễ hội hiến tế tại Việt Nam.

“Những nghi lễ hiến sinh như thế này, dù là treo cổ, hay đập đầu trâu cho đến chết đều gây ra đau đớn cho những con vật, khi chúng phải chịu đựng cái chết từ từ, trong căng thẳng, phẫn nộ, giữa những tiếng hò reo, phấn khích của hàng trăm con người. Chúng tôi cho rằng văn hóa, truyền thống cũng thay đổi theo thời gian cho phù hợp với xu thế và lối sống hiện tại. Những hành vi không phù hợp với xã hội văn minh đang và sẽ dần bị thải loại, và đó là những gì đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới”- vị phó giáo sư nói.

Đánh giá sự phản ứng, hành động của các cơ quan chức năng trước những lễ hội trên, ông Tuấn Bendixsen cho rằng, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan thông tin, truyền thông đã mạnh mẽ lên án những hoạt động lễ hội mang tính tàn bạo, không phù hợp với xã hội văn minh.

"Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phản ánh những hoạt động, nghi lễ có sử dụng động vật không phù hợp này và Tổ chức Động vật châu Á cam kết hợp tác, hỗ trợ các cơ quan này trong thời gian tới để không còn động vật nào phải chịu đựng đau đớn hay bị ngược đãi qua các hoạt động lễ hội” -  ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem