Triển khai Nghị định 67: 5 ngân hàng chủ lực “ra tay”

Lâm Anh Thứ hai, ngày 01/09/2014 06:32 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối chủ động tham gia triển khai Chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67.
Bình luận 0

Không cho vay để trả nợ…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, khi xét duyệt đối tượng vay vốn theo Nghị định 67 về các chính sách phát triển thủy sản, các địa phương cần tham khảo ý kiến của chi nhánh NHNN. Sau đó chi nhánh NHNN sẽ có chỉ đạo tới từng ngân hàng thương mại tiếp cận với người vay và cho vay. NHNN đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối chủ động tham gia chương trình. “Đây là những đơn vị chủ lực thực hiện Nghị định 67”-ông Tiến nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng khẳng định: Thực hiện Nghị định 67 thì không thể cho ngư dân vay để trả nợ việc đóng tàu sắt trước đây vì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cấp, đóng tàu mới theo khoản ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, Nghị định 67 cũng không hỗ trợ cho hoạt động thu mua, chế biến hải sản mà chỉ phục vụ trực tiếp cho chủ tàu, doanh nghiệp có hoạt động nghề cá.

Theo đánh giá của Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, Nghị định 67 ra đời bao gồm các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản. Nghị định này và các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25.8.2014.

Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển đảo của nước ta. Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.

Điểm mới quan trọng thứ hai là quan điểm khuyến khích đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, trong đó ưu tiên hơn cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu dịch vụ hậu cần là yếu tố cơ bản để cho một đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả.

Ngư dân có quyền lựa chọn ngân hàng để vay

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định: Chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải việc lấy tiền từ ngân sách Nhà nước cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt. “Ngư dân và các ngân hàng thương mại phải làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà nước hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay...”-ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định 67 quy định dải mức lãi suất hết sức ưu đãi, cụ thể là từ 1-3%/năm, có thể nói mức lãi suất thấp nhất hiện giờ, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao từ 70-95% giá trị đóng mới tàu.

Chính sách cho ngư dân vay vốn lưu động tại Nghị định 67 cũng thể hiện tính đồng bộ trong chỉ đạo của Chính phủ, ngư dân sẽ không còn phải “vay nóng” để trang trải cho gia đình khi đi đánh bắt dài ngày trên biển. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên với thủ tục nhanh gọn nhất cũng sẽ giúp ngư dân của chúng ta an tâm bám biển hơn.

Thực tế, mục tiêu của Chính phủ khi cho ra đời Nghị định 67 không phải điều chỉnh mọi vấn đề của thủy sản mà chỉ giới hạn trong các vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất có thể tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành thủy sản. Qua thực tiễn triển khai Nghị định, Chính phủ sẽ sơ kết việc thực hiện vào cuối năm 2016 để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Chính phủ đã xác định không cứng nhắc trong hỗ trợ bà con ngư dân. Quan điểm của Chính phủ là không chuyển đổi toàn bộ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép bằng mọi giá mà cần tiến hành có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì thế, trong Nghị định 67, song song với việc hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn hoạt động xa bờ, hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu đang hoạt động, hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên, hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu…

“Quan điểm của Chính phủ là nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho ngư dân, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất và kết hợp với đó là khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước ta”-Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nghị định này tổ chức mới đây, Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã đồng tình với các giải đáp của lãnh đạo các bộ ngành về Nghị định 67, đồng thời nêu rõ các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành phải thể hiện rõ ngư dân, chủ tàu là người quyết định hoạt động nghề cá của mình dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, ngư dân có quyền lựa chọn ngân hàng để vay, được quyền tham gia vào thiết kế mẫu tàu… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ KHĐT, Bộ Tài chính khi xây dựng kế hoạch 5 năm (2016- 2020) phải đặt chi nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá cao hơn năm trước. Các địa phương rà soát công trình hạ tầng trọng tâm để Trung ương ứng vốn thực hiện trước.


5 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay thực hiện chương trình, trong đó: Agribank đăng ký 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem