Trời nắng nóng đề phòng người già “khô khát”

Diệu Linh Thứ năm, ngày 02/06/2016 13:54 PM (GMT+7)
Ngày 2.6, bác sĩ Trần Viết Lực – Phó trưởng khoa khám bệnh (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cho biết, người già thường mất phản xạ khát nước, nên ít uống nước, dẫn đến nguy cơ bị kiệt sức, choáng do khô kiệt mùa nắng nóng.
Bình luận 0

img

Chăm sóc người bệnh tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Lão khoa T.Ư ngày 2.6. Ảnh: Diệu Linh

Bác sĩ Lực cho biết, trời bắt đầu nắng nóng, nhiệt độ thay đổi đột ngột, sức đề kháng của người già lại kém do đó sẽ làm người già mệt mỏi, làm các bệnh mãn tính mà người già mắc phải trầm trọng hơn. Theo bác sĩ Lực, do mới nắng nóng nên số người già đi khám và nhập viện chưa nhiều. Hiện mỗi ngày tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư chỉ có 300-400 người khám. Tuy nhiên, sau thời kỳ nắng nóng 2-3 tuần thì số người già đi khám và nhập viện sẽ tăng 20-30% và nhiều ca cấp cứu hơn.

Bà Nguyễn Thị Thái, 65 tuổi, trú tại Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, mấy hôm nắng nóng, bà vẫn đi làm đồng, tuy nhiên từ hôm nay (2.6) thấy người mỏi mệt, choáng váng nên đi khám bệnh. Bà mắc khá nhiều bệnh mãn tính như rối loạn tiền đình, thoái hoá cột sống, dạ dày, khớp… Trời nóng nực thì các bệnh này đều có chiều hướng phát tác, khiến mà đau đớn. “Trời nắng nóng chỉ cần làm đồng một lúc là thấy đầu óc quay cuồng, đau đầu, tôi lại phải vào bóng râm ngay. Bây giờ cũng chỉ dám ra đồng từ 5h sáng đến 9h thì về, tránh nắng gắt. Nhưng nhiều người cùng tuổi tôi chủ quan, mải làm có khi ngất giữa đồng” – bà Thái cho biết.

Theo bác sĩ Lực, vào trời nóng, người già thường đến khám do các bệnh lý nắng nóng, mất nước – muối, viêm phổi. “Người già mất phản xạ khát nước, do đó họ thường ít uống nước mặc dù cơ thể vẫn cần nước. Khi trời nắng nóng, vận động nhiều, nếu không bổ sung lượng nước cần thiết thì người già dễ bị mắc các bệnh cảm sốt, táo bón. Nếu mất nước nặng thì có thể gây các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, yếu sức, nhức đầu, khô miệng, sốt nóng, tim đập nhanh, ăn mất ngon, mờ mắt, nghe kém, hạ huyết áp... Nếu nặng hơn nữa có thể hôn mê, suy thận, mất trí thậm chí tử vong. Ngoài ra, số người già nhập viện vì viêm phổi trong thời tiết nắng nóng khá nhiều. Nguyên nhân thường do nằm điều hoà quá lạnh hoặc đi từ trời nóng vào phòng điều hoà nên gặp lạnh đột ngột, mồ hôi ra nhiều không lau khô nên bị lạnh dẫn đến viêm phổi…

Còn bác sĩ Tạ Hữu Ánh – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cho biết, vào lúc cao điểm  mùa nắng nóng, phòng cấp cứu luôn chật kín bệnh nhân với khoảng 20-30 ca cấp cứu mỗi ngày. Các bệnh mà người già phải cấp cứu thường là tai biến mạch máu não, suy hô hấp, huyết áp cao, sốc nhiệt (say nắng)…

“Thời tiết cực đoan nóng quá hoặc lạnh đều không tốt cho người già. Do đó, người già nên hạn chế ra đường vào lúc trời quá nóng như buổi trưa, đầu giờ chiều. Không lao động quá mệt nhọc, không nằm điều hoà có nhiệt độ chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời, uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày, dinh dưỡng cũng cần bổ sung thêm chất đạm, tăng cường rau củ quả, đồ ăn mềm, dễ tiêu hoá” – bác sĩ Ánh khuyến cáo.

“Để tật lười uống nước do mất cảm giác khát, người già nên “đong” một bình nước 2 lít đặt ở nơi cố định và cố gắng uống hết trong một ngày dù không khát. Hoặc có thể bổ sung nước bằng nước cam, chanh pha ít đường và các loại nước rau củ… “ – bác sĩ Tạ Hữu Ánh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem