'Trường hợp vừa được phong AHLĐ lại làm ăn thua lỗ như PVC là rất ít'

Hải Phong (thực hiện) Thứ năm, ngày 21/07/2016 11:46 AM (GMT+7)
Về trường hợp của PVC vừa được phong Anh hùng Lao động nhưng sau đó làm ăn thua lỗ, đại diện của Ban Thi đua khen thưởng T.Ư - ông Kiều Sơn cho biết, những trường hợp như thế này từ trước tới nay có rất ít.
Bình luận 0

Sáng nay, 21.7, Đài Truyền hình Việt Nam và Dân Việt đã có buổi trao đổi thẳng thắn với đại diện của Ban Thi đua khen thưởng T.Ư - ông Kiều Sơn, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp – để làm rõ liệu có hay không việc chạy danh hiệu”, “chạy huân chương” của PVC, có hay không dấu hiệu vi phạm trong việc thẩm định hồ sơ, xét tặng danh hiệu Nhà nước cho PVC.

Đang rà soát lại hồ sơ xét tặng danh hiệu của PVC

img

Ông Trịnh Xuân Thanh thay mặt tập thể cán bộ công nhân viên của PVC - đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2010. Ảnh: PVC.

Ban Thi đua khen thưởng T.Ư đã làm gì sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (2009, 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC vào năm 2011, thưa ông?

- Ông Kiều Sơn: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan tới việc khen thưởng Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí VN thuộc Tập đoàn dầu khí VN, Ban Thi đua khen thưởng đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo này. Hiện chúng tôi đang rà soát lại hết các hồ sơ quy trình thủ tục khen thưởng đối với PVC.

img

Ông Kiều Sơn, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua khen thưởng T.Ư

Thưa ông, việc khen thưởng với PVC đã được thực hiện theo quy trình thế nào?

- Chúng tôi đã tổng hợp toàn bộ các tài liệu liên quan gửi tới Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Tôi xin được nhấn mạnh lại: Theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, các danh hiệu này là phong tặng, khen thưởng cho thành tích của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của PVC.

Thứ hai, có một số hình thức khen thưởng. Ngoài khen thưởng thường xuyên (khen thưởng giai đoạn trong 5 năm, 10 năm hay 25 năm), nếu đơn vị hay cá nhân đạt một trong các điều kiện sau thì sẽ được khen thưởng đột xuất: Có thành tích trong phong trào thi đua; Có thành tích đột xuất xuất sắc; Có sáng kiến, sáng chế, phát minh… đều sẽ được xem xét khen thưởng.

Về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (AHLĐTKĐM) đối với PVC, tôi xin nói rõ: Hồ sơ thủ tục đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương (khi đó là ông Vũ Huy Hoàng-NV) trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước thông qua Ban Thi đua khen thưởng T.Ư để Ban thẩm định. Hồ sơ này phải có ý kiến của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp và theo quy định, phải đạt số phiếu từ 90% đồng ý trở lên mới được.

“Chúng tôi cũng đã nắm được dư luận về chuyện “chạy danh hiệu” và ngay từ năm 2010, chúng tôi đã nghiêm túc rà soát lại các khâu trong quy trình thẩm định hồ sơ, nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4. Đồng chí Trưởng Ban thi đua khen thưởng T.Ư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm trước Ban Bí thư và Bộ Nội vụ về những vấn đề liên quan tới nội dung này. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng là chúng tôi không thấy có biểu hiện “chạy danh hiệu”, “chạy huy chương” ở chỗ nào. Ban cũng không phát hiện có hiện tượng “chạy danh hiệu” với cá nhân nào”.

Ông Kiều Sơn – Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp – Ban thi đua khen thưởng T.Ư

Sau khi Bộ Công Thưởng gửi hồ sơ lên Ban Thi đua khen thưởng T.Ư, chúng tôi lại gửi hồ sơ tới các thành viên của Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư để xem xét. Hội đồng sẽ xem xét bằng hình thức bỏ phiếu kín, cũng phải 90% phiếu đồng ý trở lên.

Hiện Hội đồng có 17 thành viên đại diện ở các đơn vị, một số bộ ngành, Ban đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Quốc phòng… Có nghĩa là phải có ít nhất 16 phiếu đồng ý thì mới xác nhận danh hiệu Anh hùng cho đơn vị đó.

Thành tích để xem xét phong tặng danh hiệu AHLĐTKĐM cho PVC được tính trong 10 năm (từ 1999 – 2009) và cả trước nữa. Nhưng yêu cầu báo cáo thành tích thì phải trong 10 năm gần nhất.

Sau khi có hồ sơ của PVC, chúng tôi cũng đã xin ý kiến các cơ quan liên quan, cụ thể là Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ, UBND phường Mễ Trì, nơi PVC đặt trụ sở với hai nội dung chính: Việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước của PVC ra sao? Có đơn thư khiếu kiện đối với PVC hay không? Tất cả các cơ quan trên đều hồi âm là không có vấn đề gì!

Cuối cùng, chúng tôi đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Ban Thi đua khen thưởng T.Ư để người dân cho ý kiến. Hiện giờ chúng tôi cho đăng trên 10 số báo liên tiếp của một số tờ báo lớn và cả Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến nhân dân về việc phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước đối với các tập thể, đơn vị và cá nhân.

Như vậy, có thể khẳng định quy trình thủ tục xem xét hồ sơ để phong tặng danh hiệu AHLĐTKĐM đối với PVC là đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

PVC đã có những thành tích cụ thể gì để được phong tặng những danh hiệu đó, thưa ông?

- Chúng tôi xem xét dựa trên quá trình cán bộ công nhân viên của PVC đã tập trung khai thác dầu khí trên biển cho đất nước, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, các công trình xây dựng trên biển đảo phức tạp, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đòi hỏi kỹ thuật cao khi đó đều phải trông cậy vào PVC. Đặc biệt hơn, với chức năng làm việc ngoài biển, họ cũng góp một phần đảm bảo an ninh quốc gia trên biển. Đó là những thành tích nổi bật nhất của PVC trong giai đoạn 10 năm từ 1999 – 2009.

Những trường hợp như PVC là rất hiếm

Ông đánh giá thế nào về việc một đơn vị vừa được phong tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước ngay sau đó lại rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng tới gần 3.300 tỷ đồng?

- Những trường hợp như thế này từ trước tới nay có rất ít. Đại đa số các đơn vị được phong tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước đều vẫn duy trì và phát huy được những thành tích của mình trong thời gian sau đó.

Nhưng đôi khi vẫn có những đơn vị như PVC phát triển chưa thật sự ổn định, bền vững. Nhưng theo tôi biết hiện nay PVC đang phục hồi có những bước phát triển về sản xuất, kinh doanh.

Dư luận cho rằng sự việc này có biểu hiện của tình trạng “chạy danh hiệu”, “chạy huy chương”. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?

- Chúng tôi cũng đã nắm được dư luận này và ngay từ năm 2010, chúng tôi đã nghiêm túc rà soát lại các khâu trong quy trình thẩm định hồ sơ, nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4.

Đồng chí Trưởng Ban thi đua khen thưởng T.Ư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm trước Ban Bí thư và Bộ Nội vụ về những vấn đề liên quan tới nội dung này. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng là chúng tôi không thấy có biểu hiện “chạy danh hiệu”, “chạy huy chương” ở chỗ nào. Ban cũng không phát hiện có hiện tượng “chạy danh hiệu” với cá nhân nào.

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cũng đã xây dựng đề án đổi mới công tác khen thưởng, thi đua. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị số 34 năm 2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Sau đó, chúng tôi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật thi đua khen thưởng 2013 theo hướng chặt chẽ hơn, chính xác hơn, công bằng, minh bạch hơn.

Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ

Được biết, từ 2009, Tập đoàn dầu khí VN đã cử các đoàn kiểm tra và đã liên tục ra văn bản cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quản lý, điều hành tại PVC, khắc phục những yếu kém tại đây. Khi xét duyệt hồ sơ xét tặng danh hiệu PVC, Ban có nắm được những vấn đề này không, thưa ông?

- Như tôi đã nói, nguyên tắc về thủ tục, hồ sơ đề nghị xem xét phong tặng danh hiệu phải được làm từ cơ sở, cơ sở phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thành tích đã được khai. Sau đó chốt cuối cùng là Bộ Công Thương thì Bộ trưởng Bộ này theo quy định của điều 53 Nghị định 42 về công tác thi đua khen thưởng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ thủ tục và thành tích do các đơn vị, tập thể hoặc cá nhân của bộ mình trình lên.

Ngoài ra chúng tôi cũng xin ý kiến của nhiều cơ quan liên quan như Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Thanh Tra Chính phủ cũng như chính quyền địa bàn nơi đơn vị đó hoạt động.

Như vậy Ban chỉ có thể thẩm định đề nghị phong tặng danh hiệu dựa trên hồ sơ do tập thể đơn vị hoặc cá nhân đó gửi lên, có xác nhận của bộ, ngành chủ quản?

- Đúng vậy. Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ xem xét, thẩm định dựa trên hồ sơ họ gửi lên. Còn tính chính xác của hồ sơ đó phải do chính tập thể, cá nhân đó và bộ chủ quản chịu trách nhiệm.

Việc phong tặng 2 danh hiệu cao quý trong 1 năm cho PVC có thể coi là đáng chú ý. Tháng 1.2010 được tặng Huân chương lao động hạng nhì, đến tháng 11 cùng năm lại được Huân chương lao động hạng nhất. Có quy định nào yêu cầu phải có khoảng cách giữa hai lần phong tặng danh hiệu? Mật độ phong tặng danh hiệu như vậy có quá dày không, thưa ông?

- Như tôi đã nói, nguyên tắc khen thưởng có tính theo giai đoạn, quá trình phát triển. Khen thưởng danh hiệu AHLĐTKĐM cho PVC là tính từ năm 2010 đổ về trước. Ngoài nguyên tắc khen thưởng theo giai đoạn (5 năm, 10 năm hay như từ Huân chương Hồ Chí Minh lên Huân Chương Sao Vàng phải cách nhau 25 năm) thì còn có khen thưởng cho đơn vị, cá nhân lập được những thành tích xuất sắc, đột xuất, hay lập được các thành tích trong các phong trào thi đua, có phát minh, sáng chế, sáng kiến, công trình khoa học…

Xin cảm ơn ông!

Tháng 1.2010, PVC nhận Huân chương Lao động hạng nhì nhờ thành tích năm 2009, doanh thu của Tổng công ty này đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2008. Lợi nhuận trước thuế là 245 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 172 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.

Tháng 11.2010, PVC tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng nhất do đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2010. Năm đó, tổng doanh thu PVC đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2009. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 840 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2009.

Chỉ 2 tháng sau, ngày 26.1.2011, danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới" lại được trao cho PVC. Các thành tích được nêu là: Năm 2010, PVC đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế, tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 10.888,9 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2009; Nộp ngân sách Nhà nước 460,5 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.067,5 tỷ đồng.

Nguồn: Dân Trí

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem