Truy vấn nguồn tin là trói tay báo chí

Thứ hai, ngày 15/10/2012 16:06 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sáng 15.10 tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) đã phối hợp với báo Pháp luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí”.
Bình luận 0

Trong hội thảo, đa phần ý kiến của các đại biểu tham dự đều cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) (PCTN) không nên đưa quy định về việc thêm chủ thể truy vấn nguồn tin của báo chí.

img
Hội thảo về “Bảo vệ nguồn tin của báo chí”. Ảnh: Hữu Quang

Cụ thể, tại khoản 4 điều 101 dự luật PCTN (sửa đổi) - dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây - quy định: Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Theo nhiều đại biểu, quy định này mâu thuẫn với điều 7 của Luật Báo chí, theo đó, phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí “có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm tù trở lên).

Tại hội thảo, các đại biểu đều tỏ ý băn khoăn hoặc chưa đồng tình với quy định mới trong điều 101 của dự thảo luật PCTN (sửa đổi) vì e ngại nguy cơ lạm quyền và hạn chế việc báo chí thực thi chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) - người đã từng phải chịu tù giam sau vụ án PMU18 đã chia sẻ: “Tôi và phóng viên Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ TP.HCM) đã phải trả một giá rất đắt khi cố gắng bảo vệ nguồn tin trong quá trình viết bài đấu tranh chống tham nhũng tại vụ án PMU 18. Đó là một bài học vô cùng đau xót mà chúng tôi sẽ không thể nào quên. Theo tôi, dự thảo luật nên bỏ khoản 4 điều 101. Xin đừng thêm một điều khoản nào nữa để trói buộc báo chí trong công cuộc PCTN!”.

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Trưởng ban Kinh tế báo Tiền Phong - thì cho rằng, bảo vệ nguồn tin chính là bảo vệ uy tín của tờ báo vì nguồn tin chính là nguồn nuôi dưỡng sự sống của một tờ báo. Đặc biệt, với thể loại báo chí điều tra, chống tiêu cực, tham nhũng thì nguồn tin là số 1.

Lấy dẫn chứng những loạt bài gây tiếng vang trên Tiền Phong đều bắt nguồn từ việc xây dựng nguồn tin tốt như loạt bài liên quan đến vụ nhà đất của ông Lê Đức Thúy, ông Hoàng Văn Nghiên, chiếc cặp số chứa phong bì bỏ quên tại sân bay của ông Nguyễn Văn Lâm, loạt bài cận cảnh con tàu Vinashin…, nhà báo Bá Kiên khẳng định: “Tờ báo bảo vệ nguồn tin tốt, không bán đứng nguồn tin chắc chắn sẽ có nhiều nguồn tin tốt”.

Ông Kiên cũng cho biết, đã nhiều lần phóng viên Tiền Phong bị các cơ quan chức năng không được quy định trong Luật Báo chí gọi lên để hỏi về nguồn tin, nhưng các phóng viên đều bảo vệ được nguồn tin để nguồn tin không bị liên lụy và kết luận: “Việc mở rộng chủ thể truy vấn nguồn tin của báo chí như điều 101 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định là hết sức nguy hiểm, không chỉ trái với Luật Báo chí hiện hành mà còn trái với chính Luật PCTN hiện hành”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Lộc phân tích thêm: Việc quy định báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới. “Ở Mỹ, trong các vụ án lớn, trách nhiệm của cơ quan tư pháp là giữ kín thông tin. Nếu để lộ cho báo chí biết được thì báo chí không phải chịu trách nhiệm”, TS Lộc dẫn chứng.

Và sau cùng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Nếu đưa tin mà lộ cả nguồn thì vô hình trung lại thành tố cáo người cung cấp thông tin. Như vậy ai còn dám cung cấp tin cho báo chí nữa. Bảo vệ nguồn tin vừa là vấn đề pháp lý, vừa là vấn đề đạo lý nghề nghiệp”.

Kết thúc hội thảo, nhà báo Mai Phan Lợi – Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội – thành viên Ban Tổ chức – khẳng định:

Công cuộc PCTN cực kỳ gian nan vì đây là cuộc chiến chống lại những thế lực có quyền hành trong tay. Nhà báo chỉ có một trái tim nóng và cây bút, nếu luật tiếp tục “trói” nhà báo như thế này thì nhà báo sẽ bất lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí nhiều khi còn trở thành nạn nhân.

Ông Phan Lợi cũng khẳng định, việc ban soạn thảo dự luật không lấy ý kiến của giới báo chí - đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn của dự luật - là vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo này, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động PCTN của báo chí, đặc biệt là với những người tố cáo tham nhũng. Họ sẽ phải tính toán, lo lắng, băn khoăn khi tiến hành tố cáo. Và chịu thiệt hại lớn nhất, vẫn là nhân dân và xã hội. Bên cạnh đó, chủ trương tốt đẹp của Đảng và Nhà nước trong việc huy động vai trò của báo chí và nguồn lực XH trong PCTN sẽ không có hiệu quả!

Ông Phan Lợi khẳng định sẽ chuyển các ý kiến của cuộc hội thảo này tới các cơ quan liên quan như Ban soạn thảo dự luật - đơn vị được mời nhưng không tới dự - các cơ quan của Quốc hội và báo chí trước khi kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII diễn ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem