TS Nguyễn Huy Hoàng và tác phẩm trăn trở về phẩm giá con người

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ bảy, ngày 28/03/2015 07:53 AM (GMT+7)
Chiều 27.3, tiến sĩ -nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã có buổi ra mắt tác phẩm truyện, ký “Mưu sinh” tại Hà Nội. Đây là một tác phẩm tâm huyết ông dành cho người Việt ở Nga- mảnh đất ông đã có 30 năm gắn bó.
Bình luận 0

Thưa ông, là người gắn bó 3 thập kỷ với nước Nga qua rất nhiều biến động, bạn đọc chắc chắn rất mong đợi, thông qua tác phẩm truyện-ký “Mưu sinh” dày tới 600 trang này, họ sẽ có một cái nhìn bao quát về cuộc sống của người Việt tại Nga?

img

Mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tặng hoa TS Nguyễn Huy Hoàng (phải) tại buổi ra mắt sách ở Hà Nội .  Ngọc Anh
-Lịch sử hình thành của cộng đồng người Việt ở Nga, theo tôi đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 1923, chính Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Nga, sau đó là rất nhiều những đợt cán bộ người Việt được gửi sang Nga đào tạo, có thời điểm lên tới 50.000 sinh viên và lưu học sinh vào năm 1967. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là một cộng đồng. Phải đến năm 1981, khi Liên Xô và Việt Nam ký hiệp định lao động hợp tác thì trên khắp 15 nước cộng hòa của Liên bang Xô viết có tới 210.000 lao động người Việt. Còn hiện nay, ở Nga đang có khoảng từ 95.000-100.000 người Việt sinh sống, đó là một cộng đồng không nhiều nếu so với các nước khác. Tác phẩm “Mưu sinh” của tôi viết về những người Việt ở Nga, theo tôi đó là một cộng đồng có nhiều nét đặc biệt.

 

Sự đặc biệt đó sẽ thể hiện thế nào trong “Mưu sinh” thưa ông? Liệu đây có phải là một tác phẩm như “biên niên ký” lịch sử hình thành cộng đồng hay ông sẽ chọn khai thác theo từng mảng miếng?

img

Tác phẩm truyện - ký Mưu sinh.
-Ở Nga, do sự khác biệt trong chính sách nhập cư nên phần lớn người Việt ở đây vẫn mang quốc tịch Việt Nam, chỉ có một số rất ít ỏi thì đã nhập tịch, thế nên họ không phải Việt kiều. Nếu chia cộng đồng người Việt ra làm 4 nhóm phương thức kiếm sống thì chỉ có 1 phần nhỏ là kinh tế ổn định, có địa vị xã hội, còn đại đa số vẫn là những lao động chân tay, đời sống bấp bênh với rất nhiều khó khăn. Họ giống như cây tầm gửi sống bám vào cây đại thụ là nước Nga, không vốn làm ăn, kinh nghiệm ít, rất rủi ro. Tôi đã từng gắn bó ở đây 3 thập kỷ, chứng kiến bao nhiêu sự kiện quan trọng của cộng đồng người Việt, vì vậy tôi hướng sự quan tâm của mình đến những thân phận người khó khăn, vất vả. Trong cuốn sách của tôi, bạn đọc sẽ gặp rất nhiều những thân phận này.

 

Ông đã từng có lần nói rằng mình chỉ viết được về những số phận khổ ải chứ không viết được về những người giàu có sung sướng, điều đó chắc chắn thể hiện rất rõ trong “Mưu sinh”?

Quan điểm

TS Nguyễn Huy Hoàng
  Đọc “Mưu sinh” sẽ thấy những người Việt như vậy, đó là những người mang công mắc nợ đi tìm miền đất hứa. Đó là những người Việt có số phận rủi ro tới mức phải bỏ mình nơi đất khách quê người”.  
-Đó phải chăng là một nhược điểm của tôi? Bởi đúng là tôi chỉ có cảm hứng khi viết về những thân phận người nhỏ bé, khốn khó. Đọc “Mưu sinh” sẽ thấy những người Việt như vậy, đó là những người mang công mắc nợ đi tìm miền đất hứa. Đó là những người Việt có số phận rủi ro tới mức phải bỏ mình nơi đất khách quê người. Người Việt ở Nga luôn bươn chải lo miếng cơm manh áo nhưng không vì thế mà quên cái nghĩa đồng bào, họ cũng nương tựa, đùm bọc lấy nhau và luôn hướng về Tổ quốc. Khi tha hương xứ người, hai chữ phẩm giá con người lại càng được chú ý hơn bao giờ hết, và đó cũng là một vấn đề khiến tôi trăn trở trong khi viết.

 

Vậy ông đặc biệt quan tâm đến điều gì khi viết tác phẩm này?

-Ngoài chuyện mưu sinh của người Việt nơi đất khách, tôi còn đặc biệt quan tâm tới văn hóa Việt, những sinh hoạt giỗ tết, những hoạt động cộng đồng, văn hóa truyền thống. Có thể nói người Việt ở Nga là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội trong nước, nhưng tôi còn đặc biệt chú ý đến thân phận của họ. Đó là một đám mảng lớn của cái gọi là “bèo dạt mây trôi”, không chỉ nhọc nhằn về sinh kế mà họ còn có một sự bấp bênh lớn trong tâm lý. Bởi phần đông trong số họ vẫn phải đăng ký tạm trú theo kỳ hạn từng năm một, số ít hơn mới có thẻ xanh thường trú 5 năm. Cái cảm giác có thể bị gạt ra ngoài lề bất cứ lúc nào cũng là một vấn đề cần phân tích, soi chiếu.

Và bức chân dung nước Nga trong “Mưu sinh” thế nào thưa ông?

- Trước đây, tôi nhìn nhận và đánh giá người Nga chủ quan, một chiều; theo dòng năm tháng, tôi nhận thức và đánh giá người Nga một cách khách quan như một người trọng tài vô tư. Tôi hiểu về tầm vóc, tính cách và những phẩm chất của họ để giải thích vì sao, nước Nga là một cường quốc về văn hóa, vì sao dân tộc Nga lại sinh ra được những vĩ nhân, vì sao mảnh đất Nga ai đã đi qua chỉ một cũng thấy nặng lòng, đồng thời cũng hiểu vì sao nước Nga giàu có, phì nhiêu vẫn chưa chạm tới đích châu Âu trong nhiều lĩnh vực. Và tôi cũng muốn biết chúng ta hiện là ai trong con mắt nhân dân Nga, để tìm ra những lời giải gần với sự thật hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem