TS.Võ Trí Thành: Kinh doanh cần có triết lý

Thứ hai, ngày 22/07/2013 16:27 PM (GMT+7)
Trong khó khăn chung của kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn thiếu vốn, thiếu kỹ năng, thiếu công nghệ, nhưng chính sự vươn lên trong cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho xã hội và chính doanh nghiệp.
Bình luận 0

Mới đây, trong chương trình “Kết nối và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” diễn ra chiều 19.7 tại Hà Nội, TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tham dự, bộc bạch và chia sẻ quan điểm về triết lý kinh doanh, thành công và vinh quang dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình có sự tham dự của nhiều doanh nhân trẻ Việt Nam, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Theo TS.Võ Trí Thành, với khó khăn chung của nền kinh tế, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đã gặp không ít thách thức phải vượt qua như thiếu vốn, thiếu kỹ năng, công nghệ. Việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với những chuỗi hoạt động cố vấn là sự mong muốn góp phần cho phát triển vững mạnh của các doanh nghiệp.

TS.Võ Trí Thành phát biểu tại chương trình
TS.Võ Trí Thành chia sẻ tại chương trình "Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ" ngày 19.7

Như ông bộc bạch, “Tôi không có doanh nghiệp và cũng không biết buôn bán gì. Nhưng với những gì tôi học, tôi nhìn thấy và tôi biết, “Kết nối và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” là sự cần thiết trong thời khắc vô cùng quan trọng”.

Về đóng góp của khối doanh nghiệp này vào phát triển kinh tế đất nước, TS.Võ Trí Thành cho rằng: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là những người khởi động tinh thần kinh doanh trong nước. Chính họ đã làm nên sự phát triển kinh tế khi 90% việc làm trong 15 năm qua được tạo chủ yếu bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày nay rất năng động, nhạy bén với sự biến chuyển chung của nền kinh tế”.

Tuy nhiên, theo ông Thành, “Một trong điểm yếu của các doanh nghiệp đó là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm”. Bởi trong kinh doanh hiện nay, nhờ công nghệ thông tin và truyền thông nên đã thay đổi kết nối truyền thống để tạo ra thị trường cho chính doanh nghiệp. Nghĩa là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần. Doanh nghiệp trong nước cần biết tranh thủ yếu tố này để tạo ra thị trường với bên ngoài.

Chia sẻ quan điểm về triết lý kinh doanh, thành công và vinh quang, Tiến sĩ Thành cho rằng:

Trong kinh doanh, “Người ta hay nói đến nhất không phải thành công mà là thất bại, vì thất bại là “mẹ thành công”. Ta đánh “Trăm trận trăm thắng” không có nghĩa đánh trận nào cũng thắng trận đấy, mà ngụ ý chính là mỗi trận đều có những khó khăn, thách thức, bài học riêng. Trong đó ta phải học nhiều, đúc rút nhiều từ thất bại mới có thể chiến thắng... Đừng bao giờ nghĩ các bạn chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các bạn chính là “Những người khổng lồ tí hon”. Hãy học hỏi và phát triển.”

Muốn vậy, “Kinh doanh cần có triết lý, cần coi kinh doanh là một cái nghiệp chứ không phải một nghề. Nếu nói chuyện với các doanh nhân thành đạt, những người bươn trải và trưởng thành, các bạn sẽ nhận ra, rất ít người nói đến triết lý kinh doanh gắn liền với tiền. Khi bạn còn chỉ nghĩ tới lợi nhuận, bạn còn coi kinh doanh là một nghề và bạn còn chưa chạm đến thành công”.

“Kinh doanh là sự thay đổi thế giới, là chinh phục thế giới bằng sự sáng tạo và có trách nhiệm. Thành công nhất không phải leo lên đến đỉnh nhà, nếu vậy bạn vẫn chưa coi kinh doanh là một cái nghiệp.” – TS.Võ Trí Thành chia sẻ.

Xuân Thắng (Xuân Thắng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem