Sáng nay (20.10), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức buổi khảo sát thực địa khu vực giải tỏa trong khuôn khổ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế. Ngoài lực lượng của các cơ quan chức năng, tham gia đoàn khảo sát còn có phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.
Ngôi nhà vá chằng vá đụp của một hộ dân sống tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe.
Theo ghi nhận của PV, đa số các khu vực bảo vệ di tích thuộc Kinh thành Huế đều bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, trồng hoa màu. Tình trạng này khiến các di tích xuống cấp nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nhiều điểm di tích trở thành nơi tập trung của các tệ nạn xã hội. Cuộc sống của người dân sống tại các di tích Kinh thành Huế khổ sở vì nhà cửa xuống cấp, rất nhiều nhà dân mục nát và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, theo thống kê, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Năm 2003, số hộ dân tại đây tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ.
Một căn nhà tồi tàn xây dựng trên đất di tích, không ai nghĩ đây là nhà ở. Ảnh: Trần Hòe.
Theo ông Tuấn, áp lực của các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mĩ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.
Trong khu vực Kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Các loại động thực vật thủy sinh đặc trưng cho hệ thống ao hồ này gần như không còn hoặc còn rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cây cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan.
Theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thông qua, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời theo đề án, kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng. Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực tường hành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài…
Người dân lấn chiếm di tích Hộ Thành Hào xây dựng nhà cửa tạm bợ. Ảnh: Trần Hòe.
Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105 ha ở phường Hương Sơ, TP.Huế.
Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế. Sẽ có các sản phẩm du lịch trải nghiệm như đi bộ ngắm cảnh trên di tích Thượng Thành, đi thuyền dọc ở các hồ, sông ven Kinh thành Huế… được xây dựng để thu hút du khách sau khi việc trùng tu hoàn thành.
Theo ông Phan Văn Tuấn, hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế đang được chuẩn bị lấy ý kiến của các bộ ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Ông Tuấn cho hay, trong đề án này, tỉnh đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ TNMT xem xét.
Nhà dân tại khu vực Thượng Thành không có cổng, để lên nhà phải bắc những chiếc thang gỗ như thế này. Ảnh: Trần Hòe.
Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức mới đây, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, việc di dời dân cư ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế là kế hoạch lớn mà tỉnh mong muốn thực hiện từ lâu nhưng do nguồn lực có hạn nên không thể làm nhanh. Tỉnh đã từng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tại khu vực này và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương.
“Thực tế là khu vực này có rất nhiều hộ dân nghèo, chủ yếu là lao động phổ thông. Thêm vào đó, họ sinh sống mà không được xây dựng sửa chữa nhà cửa nên rất tạm bợ, nhếch nhác. Nếu căn cứ theo Luật Đất đai thì nhiều hộ dân sẽ không được hỗ trợ di dời, tái định cư như quy định. Tuy nhiên, trước thực trạng đời sống hiện tại của họ, đề án của tỉnh có xây dựng thêm khung chính sách đặc biệt để hỗ trợ những gia đình nằm trong diện này”, ông Khanh thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.