Từ cánh cổng làng

Thứ sáu, ngày 07/02/2014 06:53 AM (GMT+7)
Làng là hoài niệm đến day dứt đớn đau của những người – cả xưa và nay đã hoặc phải ly hương, trở thành tha hương. Bởi vì, xưa thì rền vang khắp nơi và nay thì vẫn đâu đó đang vọng lên, tiếng kêu và lời gọi: “Làng nước ơi”!
Bình luận 0
Năm 1955 lúc 10 tuổi, lần đầu tiên tôi được bố đưa về thăm quê. Từ nơi núi chắn rừng che, nhà tranh vách đất trở về đồng bằng, lần đầu tiên thấy bao nhiêu là điều mới lạ

Quê tôi là làng Nành, bên bờ sông Đuống. Giờ đây là Ninh Hiệp, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhưng tên Nành mọi người vẫn nhớ vì nó gắn liền với ngôi chùa Nành nổi tiếng.

  Cổng làng Hạ thôn (Ninh Hiệp) tròn 400 năm tuổi.
Cổng làng Hạ thôn (Ninh Hiệp) tròn 400 năm tuổi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi trong lần đầu về quê là cái cổng làng Hạ thôn, thật sự lạ lẫm: Cổng mà có mái, xây gạch, cổng sâu đến bốn mét. Lối đi giữa thênh thang, lại còn thêm hai cổng phụ hai bên uy nghi. Ngày ấy cổng còn cả hai cánh, dưới có bánh xe gỗ, tối đến được cài then nội bất xuất ngoại bất nhập.

Hôm nay cổng làng Hạ thôn là cái cổng duy nhất ở Ninh Hiệp vẫn còn, nhưng cánh cổng thì không còn nữa mà cũng không cần nữa.

Cổng làng là cửa ngõ giao tiếp với xã hội bên ngoài. Làng là đơn vị hành chính lớn. Nếu coi làng xưa như một gia đình lớn, thì cổng làng chính là cửa khẩu để từ đó đi ra bên ngoài, sang một giang sơn khác.

Đồng bằng Nam Bộ tôi chưa có dịp qua nên không biết cái cổng ra sao…nhưng cụm dân cư quây quần chẳng biết có cổng làng không? Còn miền núi phía Bắc như tôi biết thì những ngôi nhà đơn lẻ nằm ven núi trước khi vào nhà đều có cổng. Những ngôi nhà người Mông cổng còn có mái che, có cánh cổng vững chắc, tối đến có cửa đóng then cài. Có lẽ miền núi phía Bắc thì cổng nhà người Mông là có quy cách rõ nhất. Người Tày Thái và một số dân tộc khác thì cổng đơn sơ hơn nhưng đều có cổng để phân định ranh giới với bên ngoài.

Sau cổng, làng như một quốc gia nhỏ. Làng có lệ làng, nước có phép nước. Từng có câu: Phép vua thua lệ làng! Cũng vì kết cấu xã hội có làng có lệ mà ngàn năm Bắc thuộc chính quyền phương Bắc không sao thôn tính được nước Nam chính vì cái văn hóa sau cổng làng đã đánh bật văn hóa ngoại lai. Họ cũng phải nhập gia tùy tục, mà không thể áp đặt nổi. Văn hóa sau cái cổng làng chỉ là một hạt nhân nhỏ bé nhưng là nhân cốt quan trọng trong vị thế văn hóa của quốc gia.

Cổng làng miền xuôi xây gạch, đường làng cũng lát gạch. Ba từ xã hội hóa đâu phải là phát kiến mới mẻ gì của thời mở cửa với kinh tế thị trường. Xã hội hóa có từ xửa xưa ở làng quê. Ngày xưa trai làng lấy vợ nộp cheo ba trăm gạch để tu sửa đường làng. Con đường đi chung đó chính do người làng cùng đóng góp theo lệ làng đó.

Sự phát triển của đất nước kéo theo nhiều thay đổi. Ngày nay kết cấu làng bị phá vỡ dần khi sự đô thị hóa gia tăng. Điều đầu tiên là cổng ngõ làng mất dần. Một số vùng dân cư ngõ xóm phố phường…dựng lên những cổng mới. Cổng mới có khi chỉ là hai trụ xi măng hoặc hai cọc thép tròn dựng đứng và một thanh ngang gắn phía trên cốt để lấy chỗ mắc khẩu hiệu. Một số làng, bản, phường, khu phố, khối phố trong phong trào xây dựng làng văn hóa thì gắn tấm biển chăng ngang. Cả nước như nhau: Khu phố văn hóa - làng văn hóa - bản văn hóa... mà không rõ văn hóa nơi đó ra sao, là văn hóa gì.

Sau cái cổng làng xưa là cả một lối sống làng quê có nền nếp văn hóa hẳn hoi mà không cần một câu khẩu hiệu khẳng định hay phô trương. Thực chất làng xưa đã là làng văn hóa.

Nhớ cái cổng làng xưa là như vậy. Vì sau nó có cả một nền nếp văn hóa làng mà bây giờ đã phôi pha…Sau cổng làng là một nếp sống đất lề quê thói của từng vùng khác nhau. Nhìn cái cổng không cần dòng chữ xác nhận “Làng Văn Hóa” như ngày nay thì người ta cũng có thể nhận ra cái văn hóa cốt lõi của làng đó.

Cổng làng là cửa ngõ làng. Ban đầu nó chỉ là một công trình với mục đích bảo vệ, nhưng rồi dần dà trở thành giá trị văn hóa.

Con đường lát gạch nghiêng đỏ hoe chắc chân, đi ngày mưa mà không bao giờ sợ trơn trượt như đường đất đỏ trung du. Sau con đường là nhớ đến cây đa đại thụ nằm trên chỉ giới giữa làng và bên Tế Xuyên... trùm bóng cả triền đê, khá gần gũi với trung du. Nhưng những năm còn bé ấy, năm nào nghỉ hè tôi cũng được bố cho về làng. Những ngày hè tối về bên ông bà nội, ngày chạy đủ nơi với anh em cùng lứa. Làng xưa nghèo , tường xây là bờ giậu thường xây bằng đất, trên mái tường lợp rơm chống sụt lở. Nhà nghèo hơn thì phân định với nhà bên bằng rào ô rô, găng hoặc duối trông thật thanh bình…

Chúng tôi leo vào chùa xem tượng phật, ngày hội chùa thì nghếch mũi ngắm cờ phướn trong những đám rước long đình. Rặng nhãn trước cổng đình cũng là nơi leo trèo thích thú. Nhưng cuộc sống dần thay đổi. Xưa chuyện trai gái trong làng dựng vợ gả chồng nộp cheo cho làng năm trăm, ba trăm viên gách đóng góp vào việc sửa sang đường làng không còn nữa.

Đường làng giờ không còn gạch đỏ nữa mà bê tông đúc phiến, tường rào không còn duối, ô rô hay bụi găng. Tường giờ xây gạch, xi măng cát che luôn tầm mắt. Lòng ngẩn ngơ buồn.

Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem