Từ 'hiện tượng Đinh La Thăng': 'Muốn làm được việc phải khiến dân tin'

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 23/02/2016 10:10 AM (GMT+7)
Dư luận đang hết sức quan tâm về những động thái trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của tân Bí thư Thành ủy TP.HCM - ông Đinh La Thăng. “Hiện tượng” này đặt ra những vấn đề gì với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta? NTNN/Dân Việt ghi nhận ý kiến của TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Bình luận 0

Vừa được phân công nhiệm vụ, tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có nhiều phát ngôn, hành động được dư luận quan tâm, đánh giá. Cá nhân ông  thì suy nghĩ gì?

- Không chỉ riêng ông Thăng, thời gian qua, cả hai tân Bí thư của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều có những hành động cụ thể gắn liền với người dân, thể hiện được mong muốn của người dân. Khi hai vị lãnh đạo này về nhận công tác (ông Đinh La Thăng là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Hoàng Trung Hải là Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội), người dân mong chờ hai vị đó thực hiện được ý tưởng của dân, gần gũi dân để họ có điều kiện phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình, kể cả nhưng bức xúc.

img

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.

Hành động như hai vị Bí thư vừa qua theo tôi rất trúng, thể hiện được sự gần gũi nhân dân, sát dân, từ đó có cơ sở, có điều kiện giải quyết công việc chuẩn hơn. Đó là những hành động rất cần thiết đối với người lãnh đạo. Muốn làm gì thì làm, việc đầu tiên người lãnh đạo phải làm cho dân tin, mà muốn người dân tin thì cán bộ lãnh đạo phải gần gũi với họ, để họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Về lâu dài chưa rõ, nhưng trước mắt hai vị tân Bí thư có hành động như vậy là rất đáng hoan nghênh.

Ông Đinh La Thăng có kinh nghiệm và cách giải quyết công việc quyết liệt thời còn công tác ở Bộ GTVT. Theo ông, phong cách đó có phù hợp khi chỉ đạo, điều hành công việc ở một thành phố lớn như TP.HCM?

- Cái chung là phù hợp, người lãnh đạo đã gần dân, lắng nghe dân, thể hiện nguyện vọng của dân thì công việc sẽ có kết quả. Mỗi vị trí có nội dung khác nhau, ông Thăng trước ở Bộ GTVT là ngành hẹp hơn, cách chỉ đạo của ông với tư cách là người điều hành. Còn ông Hoàng Trung Hải trước là ở cơ quan chỉ đạo vĩ mô (làm Phó Thủ tướng Chính phủ), nghĩa là cơ quan lập chính sách nên việc sâu sát với dân vừa qua của hai ông có khác nhau.

Ông Thăng có sở trường giải quyết quyết liệt, quyết đoán, cụ thể. Còn ông Hải vừa qua tiếp cận với người dân qua lĩnh vực nông nghiệp, hành động của ông Hải cũng thể hiện được phong cách, ý tưởng của ông. Đó đều là những hành động theo tôi là tốt, bước đầu nó tạo được niềm tin với người dân.

Có ý kiến cho rằng việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo điều hành công việc như tuần làm việc vừa qua có sự "lấn sân" của bên chính quyền, ông nghĩ sao?

- Nếu ông ấy điều hành liên tục trực tiếp như thế thì mới là lấn sân, nhưng ông Thăng là người đi khảo sát một địa bàn thì cần phải nắm toàn diện, tìm hiểu những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân sau đó quyết liệt đưa ra được ngay cách giải quyết tốt nhất. Tùy từng môi trường công tác, tùy từng chuyến đi, tùy từng nội dung cụ thể để nhận xét đúng với suy nghĩ của người lãnh đạo, để họ phát huy tốt hơn. Còn khi người lãnh đạo đó làm tốt nhưng chúng ta không xem xét kỹ mà nhận xét thiếu căn cứ sẽ dễ làm cho cái tốt đó bị triệt tiêu.

Ông từng kinh qua công việc của một Bí thư Tỉnh ủy, ông đánh giá trách nhiệm chính của một vị Bí thư ở địa phương ra sao?

- Việc chính của một Bí thư của địa phương là nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, điều kiện hay nói cách khác là đề ra các đường lối, chủ trương. Khi đã có chủ trương, đường lối đúng đắn và được đề ra bằng nghị quyết, chính quyền sẽ căn cứ vào đó để triển khai.

Ông Đinh La Thăng mới nhận công tác nên sẽ phải tiếp cận thực tiễn, nhưng sau đó phải trở lại đúng vị trí là người đề xuất chủ trương chính sách, điều hành vĩ mô, xây dựng các cơ chế, điều kiện trên cơ sở đường hướng của T.Ư để chính quyền vận dụng và thực hiện trong thực tế. Việc điều hành cụ thể, sâu sát từng xã, phường, quận, huyện, từng cơ sở kinh tế là việc của ông Chủ tịch UBND thành phố.

img

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (giữa) cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ảnh: T.T

Để điều hành một thành phố năng động và lớn nhất nước như TP.HCM, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ còn gặp phải nhiều thách thức trước mắt, thưa ông?

- Đúng là còn khó khăn lắm, công việc còn lâu dài nhưng dù sao biểu hiện bước đầu của ông Thăng cũng đã gây được ấn tượng. Ở thành phố này không chỉ có những việc bức xúc như ông Thăng vừa chỉ đạo giải quyết mà còn nhiều vấn đề chưa bộc lộ hết. Ông Thăng sẽ phải dành thời gian để giải quyết các vấn đề đó.

Về nguyên tắc, người lãnh đạo ở đó phải nắm bắt cụ thể, thực tiễn, cụ thể hóa đường hướng của T.Ư sát với điều kiện đặc thù của địa phương, rồi xây dựng phong cách làm việc, xây dựng một đội ngũ cán bộ tương đối hoàn chỉnh làm việc theo chỉ đạo chung mà mình kiểm soát được. Làm được như vậy, tôi nghĩ sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội): Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vẫn giữ được phong cách làm việc quyết liệt, đi sâu đi sát như ở thời ông còn công tác ở Bộ GTVT. Về chuyện có "lấn sân" Chủ tịch hay không thì tôi cho rằng Bí thư Đinh La Thăng vẫn tập trung vào các vấn đề ở tầm chiến lược, vĩ mô là chính nhưng có thể Bí thư nghĩ rằng có sự tồn đọng công việc cụ thể cho nên có thể ông chọn cách đột phá từ những việc cụ thể. Sau đó giao việc đó cho người khác chứ Bí thư sẽ không làm những việc như vậy mãi.

Ngọc Lương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem