Từ vụ bạo hành trẻ: Áp lực cao, càng phải yêu trẻ

Thứ năm, ngày 19/12/2013 07:39 AM (GMT+7)
Bức xúc trước vụ bạo hành trẻ tại Nhóm trẻ gia đình Phương Anh (quận Thủ Đức, TP.HCM), cô giáo Nguyễn Thúy - giáo viên Trường Mầm non Hải Bối (Đông Anh- Hà Nội) đã chia sẻ với NTNN về câu chuyện nghề rất đáng suy nghĩ.
Bình luận 0
Công việc quá áp lực

Tôi đã công tác trong ngành giáo dục mầm non hơn 15 năm, tôi hiểu rõ tất cả những áp lực, khó khăn, đòi hỏi của một cô giáo mầm non là như thế nào. Nếu như một người mẹ ở nhà chỉ chăm 1 – 2 đứa con đã nhiều lần phải phát khùng lên khi trẻ ương bướng, không chịu ăn, ngủ đúng giờ, thì chúng tôi phải chịu gấp 10 lần áp lực ấy.

Một giờ chơi xếp hình của trẻ Trường Mầm non huyện Đông Anh (Hà Nội).
Một giờ chơi xếp hình của trẻ Trường Mầm non huyện Đông Anh (Hà Nội).

Vất vả nhất là những tháng đầu tiên nhận trẻ mới. Khoảng thời gian này, trẻ khóc rất nhiều, thậm chí có những bé không khóc nhưng nhìn bạn khóc là khóc theo, cả lớp như một... dàn đồng ca inh tai nhức óc. Các cô phải cố gắng hướng sự chú ý của trẻ vào một hoạt động nào đó. Thường thì cho trẻ xem hoạt hình, ca nhạc, hoặc đưa cho trẻ món đồ chơi có âm thanh, biết di chuyển để trẻ quên đi nỗi nhớ mẹ.

Để trẻ vào nền nếp với việc ăn uống, ngủ nghỉ ở lớp là cả một quá trình rèn giũa hết sức kiên trì của các cô. Xem clip thấy mấy cô bảo mẫu đánh trẻ khi cho ăn, tôi cho rằng các cô có vấn đề về sư phạm (dù nghe nói chủ trường đã học đại học ngành mầm non) bởi cho trẻ ăn cũng phải có phương pháp.

Trẻ cần được tập thể dục, dạy múa hát, chơi trò chơi, nghe kể chuyện... các hoạt động sẽ làm bé mất nhiều năng lượng và nhanh đói. Chính vì thế các bữa ăn sẽ được trẻ đón nhận hào hứng hơn. Các bé sẽ được tập ăn nghiêm túc ở bàn ăn, khẩu phần ăn được chia đều, các cô khuyến khích các bé tự ăn bằng cách hô hào cả lớp cùng ăn, bé nào xúc ăn giỏi được cô khen, thi đua xem ai ăn nhanh, xong trước sẽ được cô thưởng cho chơi một món đồ chơi đặc biệt của lớp...

Cần phối hợp cả bố mẹ và nhà trường

Tuy nhiên, các bữa ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, rất nhiều bé chỉ tự xúc ăn được một lúc, có bé không tự xúc ăn được mà phải nhờ đến cô. Các cô sẽ bón cơm 1 vòng cho từng bé, nếu bé có thói quen ngậm, cô sẽ không ép bé ăn thêm, nếu ngậm quá lâu cô sẽ yêu cầu bé nhả miếng cơm trong miệng ra để ăn miếng khác. Nếu bé ương bướng không chịu nghe lời thì sẽ phạt cho đứng góc lớp giơ cao tay trong vòng vài phút, khi nào chịu nghe lời sẽ phải nói xin lỗi cô để ra ăn tiếp. Khi một bé bị phạt, các cô hỏi các bé còn lại về nguyên nhân bị phạt để các bé nhận thức dần. Nguyên tắc là không bắt bé đứng phạt quá lâu. Nếu bé nhất định không chịu ăn thì chắc chắn có nguyên nhân. Cô sẽ không ép mà để bé ăn bù vào bữa chiều bằng cháo, súp hoặc sữa...

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Hành vi thô bạo đối với học sinh là không thể chấp nhận được. Đó không chỉ là hành vi phi giáo dục, mất đạo đức nhà giáo, mà còn cần phải xử lý hình sự . Cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay để đủ sức răn đe”. Cũng theo ông Nhĩ, trong khi các trường mầm non công lập không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ thì trường tư, nhóm lớp vẫn không thể không có. Bộ GDĐT nên nghĩ đến việc xã hội hóa giáo dục mầm non bằng cách yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu đô thị mới… phải xây dựng trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động.
Nguyễn Thiêm

Đối với việc vệ sinh cá nhân, hầu như ở lứa tuổi 2 – 3, các bé chưa biết cách tự đi vệ sinh hoặc nhờ người lớn giúp. Các cô dặn trẻ khi buồn đi vệ sinh phải nói với cô: “Cô ơi cho con ngồi bô”. Tuy vậy, cứ khoảng 30- 45 phút các cô lại khua trẻ đi vệ sinh một lượt. Tháng đầu, rất nhiều trẻ tè, ị ra quần nhưng sau đó tình trạng này hoàn toàn chấm dứt ở lớp.

Cũng có những trường hợp bé quá ương bướng, quậy phá, đánh bạn... mà phạt nhiều lần khiến bé nhờn thì cũng phải nghiêm khắc hơn bằng cách nẻ vào mông hay bàn tay bé. Nhưng việc làm này là vô cùng hi hữu. Chính vì vậy, giáo viên đòi hỏi phải có kỹ năng chăm trẻ và dạy trẻ thật tốt. Nhưng có một điều tôi cho rằng luôn đúng: Nếu giáo viên mầm non mà không thực sự yêu trẻ thì không thể làm được nghề này.

Điều đáng nói là cha mẹ ít khi phối hợp với cô giáo trong việc rèn trẻ. Ở nhà, rất nhiều bé được chiều, ăn ngủ không đúng giờ. Vì thế, cứ ở lớp cô rèn, về nhà bé lại theo nếp cũ nên đến lớp hay mè nheo. Tôi nghĩ rằng trong các giải pháp bảo vệ trẻ, cần có giải pháp về hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia rèn trẻ, để trẻ tự lập và hiểu cách phối hợp ở lớp, ở nhà.

Một số vụ bạo hành trẻ

Năm 2008, bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa (Đồng Nai) ngược đãi trẻ (đánh, tát ...) bị kết án 18 tháng tù.
Năm 2011 tại Bình Dương, bảo mẫu Trần Thị Phụng phải nhận mức án 24 tháng tù vì dùng chân chà đạp khi cho trẻ tắm.
Năm 2011, Tòa án nhân dân huyện Tân Phú (Đồng Nai) tuyên phạt 4 năm tù giam đối với bảo mẫu Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ Hoa Lan, Tân Phú) vì tội đánh bé trai đến… gãy xương, lồi mắt, rách da đầu và nhốt vào thang máy.
Tháng 10.2013 tại nhóm trẻ tư của bà Đinh Phương Loan (Kon Tum) bé Đặng Bảo Long (12 tháng tuổi) bị cô giáo đánh gãy cả 2 chân.
Nghiêm trọng hơn là vụ án diễn ra vào ngày 17.11.2013, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (Thủ Đức, TP. HC M) đã đạp ngực bé trai 18 tháng tuổi gây tử vong….


Nguyễn Thúy – giáo viên Trường Mầm non Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) ( Nguyễn Thúy – giáo viên Trường Mầm non Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem