Từ vụ nổ bình gas trên tàu cá: "Tử thần" rình rập ngư dân

An Vĩnh - Nam Cường - Ngọc Thọ Thứ hai, ngày 27/06/2016 06:26 AM (GMT+7)
Vụ nổ tàu cá khiến 3 ngư dân mất tích ở Phú Quốc (ngày 24.6) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn trên những con tàu lênh đênh giữa trùng khơi. Mỗi tàu cá đi biển thường mang ít nhất 4 – 5 bình gas, như những “quả bom nổ chậm” khiến hiểm họa luôn rình rập.
Bình luận 0

Tàu và người nằm lại biển khơi

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ngư dân Nguyễn Ngọc Đại - ở thôn Tây xã An Vĩnh chưa hết bàng hoàng vì vụ nổ gas trên tàu cá mà ông là bạn chài. Vụ nổ đã “cướp” đi con tàu trị giá gần 2 tỷ đồng cùng 1 mạng người. Sự việc xảy ra vào cuối tháng 7.2013 khi con tàu trên 600 CV cùng 11 lao động đang neo đậu nghỉ ngơi tại một cảng cá ở Phú Yên.

img

Hiện trường một vụ nổ bình gas trên tàu cá.  Ảnh: I.T

Từ năm 2005 đến nay, riêng Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có 8 vụ nổ bình gas trên tàu cá, khiến hàng chục ngư dân tử nạn, bị thương nặng, phần lớn các tàu xảy ra cháy nổ đều hư hại hoàn toàn. Thiệt hại từ các vụ cháy nổ tàu cá ước khoảng 6 tỷ đồng, đó là chưa kể những vụ tai nạn nhỏ, lẻ mà các ngư dân không trình báo với địa phương”.

 Bà Phạm Thị Hương
- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn

Ngư dân Nguyễn Ngọc Đại kể lại: Buổi tối định mệnh ấy, sau khi các lao động đang nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc, thì bất ngờ xuất hiện ngọn lửa trong góc bếp trên tàu, chưa kịp định thần thì một tiếng nổ như bom tấn phát ra, kèm theo đó là khói lửa mù mịt, con tàu trị giá gần 2 tỷ đồng chốc lát trở thành đám lửa và chìm luôn xuống đáy biển, nhiều tiếng kêu cứu phát ra trong đêm tối, rất may hầu hết thuyền viên đang nằm ngủ tại khu vực cabin cách xa khu bếp nên chỉ bị hất tung xuống biển, chỉ thuyền trưởng Võ Minh Tâm vì nằm sát khu vực bếp nên tử nạn, “khi tiếng nổ vừa phát ra, cả con tàu rung lắc mạnh rồi chìm dần xuống biển, tôi thấy nhiều thuyền viên bị hất tung xuống biển, rất may chúng tôi bám vào được mấy tấm ván còn sót lại nên mới sống sót”.

Anh Đại kể, chiều đó sau khi nấu cơm xong, các lao động trên tàu không kiểm tra và khóa bình gas lại nên gas rò rỉ khi gặp nguồn điện bình thắp sáng nên xảy ra vụ cháy nổ kinh hoàng, lúc đó trên tàu có 4 bình gas loại 13kg. Rất may 2 bình đã dùng hết, chỉ còn 2 bình chứ không thì toàn bộ những người trên tàu anh Đại đều khó mà thoát chết.

Ngư dân Bùi Văn Bảy – (thôn Tây xã An Hải) vẫn chưa quên vụ cháy nổ tàu cá tại ngư trường Trường Sa. Ngư dân Bảy bồi hồi kể lại: Năm 2007, ông theo một tàu cá của ngư dân địa phương hành nghề lặn tại ngư trường Trường Sa, gần 1 tháng bám biển khi tàu chuẩn bị về bờ thì xảy ra vụ nổ gas khiến ông để lại biển khơi một cánh tay. Một ngư dân đi cùng tàu cũng bị thương nặng, phải chuyển lên Trạm Y tế Song Tử Tây cấp cứu, con tàu trị giá trên 1 tỷ đồng, bị thổi tung một phần nóc cabin.

Anh Bùi Văn Bảy kể lại, buổi trưa xảy ra tai nạn, sau khi nấu cơm xong, vì quên không khóa và kiểm tra bình gas nên khí gas rò rỉ, khi một bạn thuyền châm lửa hút thuốc, lửa bén bình gas gây bùng cháy dữ dội, tuy phát hiện kịp thời nhưng vì không có hệ thống chữa cháy nên để xảy ra vụ nổ, từ sau vụ nổ đó, vì thương nặng anh phải bỏ nghề vì không đủ sức khỏe theo những chuyến tàu ra biển. “Trung bình mỗi tàu khi vươn khơi phải đem theo 4 -5 bình gas loại 13kg. Một khi bình gas đã nổ thì cơ hội sống sót cho những người ở trên tàu gần như bằng không” - ngư dân Bảy bộc bạch.

Đừng để “chết vì thiếu hiểu biết”

Ông Lê Văn Chiến – thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 (Thanh Khê, Đà Nẵng) có 30 năm cưỡi sóng Hoàng Sa không bao giờ quên chuyến cứu nạn hy hữu vào năm 2008, đó là vụ tai nạn nổ bình gas kinh hoàng trên biển Hoàng Sa. Đó là trường hợp cứu tàu ông Phạm Mi Em (ĐNA 7031) bị nổ bình gas, tàu chìm trên biển Hoàng Sa vào tháng 3.2008. Theo ông Chiến, lần đó, cũng đang là 3 giờ sáng ngày 14.3.2008, khi ông đang nằm ngủ trên tàu chợt bộ đàm rung bần bật. Ngồi dậy nghe được giọng hớt hải: Tàu tui bị nạn đang bốc cháy trên biển.

Ông Chiến vùng dậy, mở toàn cửa sổ tàu, ông thấy một vùng biển đỏ rực. Lúc này quan trọng nhất là cứu được người, ông Chiến không ngần ngại nhổ neo, cho tàu chạy hết tốc lực tới tàu bị nạn, mặc lửa cháy bừng bừng, ông Chiến huy động tất cả anh em ra sức vớt người. Cứu được các thuyền viên cùng 2 người bị cháy toàn thân là Đào Ngọc Mại và Lê Văn Dũng thì ông Chiến cũng kiệt sức. Vẫn biết xác của 1 người chết trôi đâu đó rất gần trên biển nhưng đêm đen và sức đã cạn, tất cả đều bó tay.

Ông Chiến kể, lúc này 2 người bị bỏng gần như chắc chết nếu không được cứu chữa kịp thời. Ông Chiến liền gọi cho Đài Duyên hải miền Trung. Ông yêu cầu được nối máy với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia và khẩn thiết đề nghị Trung tâm này liên lạc với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phải làm việc nhanh gọn để nhờ Trung Quốc điều trực thăng ra cứu người. Tổng cộng từ khi vớt người, sau 30 tiếng đồng hồ, 2 thuyền viên này được tàu Trung Quốc đưa đi cấp cứu kịp thời. “Nếu quyết định chạy về Đà Nẵng, chúng tôi phải mất ít nhất 60 tiếng, lúc đó thì anh Mại và anh Dũng đã chết rồi” - ông Chiến nói.

Thượng tá Nguyễn Trọng Việt - Phó Giám đốc Xí nghiệp Phòng cháy chữa cháy (Công ty Thăng Long – Bộ Công an) chia sẻ: Mỗi chuyến tàu, ngoài số xăng dầu và các vật dụng dễ gây cháy nổ thì mỗi tàu hoạt động đánh bắt xa bờ thường mang theo từ 3-5 bình gas, trong quá trình sử dụng, chỉ cần khí gas bị rò rỉ hoặc bình gas để ở nơi dễ rung lắc, va đập, bị dông sét thì chắc chắn sẽ gây ra cháy nổ.

“Chưa kể đến có những bình gas được sang chiết lậu, trái phép, không đảm bảo an toàn... khiến nguy cơ cháy nổ cao hơn. Điều lạ, khi được hỏi đến vấn đề trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định đối với tàu cá thì nhiều ngư dân kiến thức về phòng chống chảy nổ còn rất hạn chế. Đề nghị các cơ quan chức năng, đoàn thể… tăng cường tuyên truyền, mở những lớp bồi dưỡng cho ngư dân để tránh những tai nạn đau lòng như trên” – thượng tá Việt nói.  

Một số vụ nổ tàu cá thương tâm gần đây
* Khoảng 3 giờ sáng ngày 16.9.2015,  tàu cá do bà Phạm Thị Ngọc (40 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) làm chủ đang trên hành trình vào bờ. Khi tàu cách Côn Đảo 30 hải lý về hướng Đông Bắc thì bất ngờ bình gas phát nổ khiến tàu gần như chìm ngay lập tức, toàn bộ thuyền viên trên tàu bị hất tung xuống biển. 3 ngư dân được tìm thấy sau đó, 15 người mất tích.

Khoảng 5 giờ sáng 18.3.2016, tàu cá do ông Trương Viết Rơ (48 tuổi, trú xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) làm thuyền trưởng cùng 8 ngư dân cư trú ở địa phương đang trên đường cập cảng Thuận An. Khi cách bờ chừng 1 hải lý, bình ắc quy của tàu bất ngờ phát nổ. Áp lực của vụ nổ khiến 2 người trên tàu bị hất tung xuống biển, nhiều người khác bị bỏng nặng và ngất xỉu trên tàu. 

* Sáng 2.4.2016, một nhóm thuyền viên tàu cá KG 90094 TS lên tàu sửa chữa. Một lát sau thì có một tiếng nổ lớn phát ra từ bộ phận buồng máy, lửa bùng cháy dữ dội. Vụ nổ làm thuyền viên Nguyễn Văn Phú (40 tuổi, quê Kiên Giang) bị văng từ mép tàu xuống dưới đất và bị bỏng rất nặng.

Trần Ngọc

Tìm được 2 thi thể, đang trục vớt tàu

Liên quan tới vụ nổ tàu cá tại Phú Quốc, chiều 26.6, đại tá Phạm Quang Oánh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Trưa cùng ngày đã tìm kiếm được 2 thi thể trong vụ nổ tàu ngày 24.6 xảy ra trên vùng biển xã Bãi Thơm (huyện Phú Quốc, Kiên Giang). Hiện lực lượng của Bộ Tư lệnh đang trục vớt chiếc tàu đang bị chìm ở độ sâu 27m, đồng thời tìm 1 ngư dân mất tích. 

img

Các thuyền viên trong vụ nổ tàu 24.6, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoaPhú Quốc. Ảnh: H.X

“Trên tàu có 7 thuyền viên, khi vụ nổ  xảy ra đã có 4 người được tìm thấy và đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc. 3 ngư dân mất tích còn lại được triển khai tìm kiếm hết sức tích cực” - đại tá Oánh nói. 

Về công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua, đại tá Oánh cho rằng, Bộ Tư lệnh luôn chủ động, phối hợp tìm kiếm khi có tàu ngư dân gặp sự cố trên vùng biển Tây Nam.Đại tá Oánh cho biết thêm: “Chúng tôi có phương tiện và người tương đối đầy đủ, khi nhận được tin báo, sẽ có mặt ngay, với tốc độ nhanh nhất có thể.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016, thời tiết rất phức tạp trên vùng biển Tây Nam nên có rất nhiều trường hợp xảy ra sự cố, ngư dân phải chủ động, liên lạc về đất liền sớm để có sự cứu giúp kịp thời”.Còn ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá thì cho biết thêm: Thời gian qua, Hội Nghề cá cũng đã thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân chủ động trang bị đầy đủ thiết bị trên tàu, đặc biệt là thiết bị thông tin liên lạc.

Để từ đó có thể đối phó được các trường hợp bất ngờ xảy ra như cháy nổ, chìm… Ngư dân Nguyễn Hữu Cảnh (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) cho rằng: “Khi ra khơi, điều đầu tiên mà tôi lưu ý nhất là phải có thông tin liên lạc về đất liền hoặc phải có tàu khác đi cùng thì mới yên tâm. Trước và sau những chuyến ra khơi tôi luôn nhắc nhở các thuyền viên cẩn thận tối đa trong việc phòng chống cháy nổ”.

Huỳnh Xây

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem