Từ vụ nổ lò hơi: Sơ sểnh, vận hành máy sai là... chết

­­­Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 01/11/2016 06:15 AM (GMT+7)
Lò hơi là một thiết bị sản xuất phổ biến, nhưng rất nguy hiểm. Việc vận hành lò hơi cần phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về an toàn lao động, tuy nhiên tai nạn vẫn khá thường gặp. Vụ nổ lò hơi khiến 4 người chết, 11 người bị thương tại Thái Thụy, Thái Bình là hồi chuông báo động...
Bình luận 0

Cứ nổ là… chết

Khoảng 10 giờ ngày 30.10, tại thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình xảy ra vụ nổ lớn, làm 2 người tử vong tại chỗ, 2 người chết khi cấp cứu và 11 người bị thương. Theo đó, vụ nổ lò hơi xảy ra tại cơ sở chế biến hải sản Lan Anh do ông Tạ Duy Anh (sinh năm 1970) và vợ là Phạm Thị Lan (sinh năm 1975) làm chủ, chuyên chế biến mặt hàng don cung ứng ra thị trường; cơ sở đặt trên diện tích đất ở của gia đình. Lao động làm việc tại cơ sở này không cố định, được thuê theo ngày và theo thời vụ tùy thuộc vào lượng don thu mua được. Cơ sở có dây chuyền chế biến don, các thiết bị chế biến nhưng không báo cáo với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm định theo quy định.

img

Vụ nổ lò hơi ở Thái Bình đã làm 4 người chết, hơn chục người bị thương. ảnh: G.T

Đáng nói tai nạn nổ lò hơi xảy ra không ít, mà cứ nổ là... chết. Gần đây nhất là vụ nổ lò hơi ở Nhà máy Granite Trung Đô ở Nghệ An vào ngày 24.8, làm 2 công bị bỏng nặng, dù được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong ngay sau đó.

Trước đó, ngày 30.5, một vụ nổ nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại nhà máy gạch Tasa thuộc Công Công ty CP Gạch men Tasa (tại Khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ) khiến 1 công nhân tử vong. Chiếc lò hơi do không được cấp nước kịp thời khiến cho áp suất trong lò tăng cao gây nên vụ nổ.

Còn ngày 29.3, vụ nổ lò hơi tại một công ty gạch men ở Bình Dương cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 công nhân.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, sáng 31.10 Bộ LĐTBXH đã cử đoàn công tác xuống thanh kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc tại xưởng chế biến don làm 4 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiến hành khắc phục hậu quả và ghi nhận hiện trường, điều tra nguyên nhân.

Theo ông Phùng Huy Giật – chuyên gia an toàn lao động, lò hơi là một thiết bị sản xuất phổ biến, nhưng rất nguy hiểm. Việc vận hành lò hơi cần phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về an toàn lao động.  Trước khi sử dụng các thiết bị này cũng phải được kiểm nghiệm an toàn, cấp phép sử dụng. Bản thân lao động sử dụng cũng phải được đào tạo, huấn luyện. Theo ông Giật, hàng năm có hàng chục vụ nổ lò hơi, cứ nổ lò là có người chết.

Lò hơi cần canh 24/24 giờ

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến nổ lò hơi như: Nổ do nhiên liệu, nổ do tình trạng cạn nước, nổ do người vận hành lò hơi xử lý nước không đảm bảo, hoặc khởi động sai, hoặc nổ do va đập gây hỏng hóc ống, nước cấp bẩn, hoặc phương pháp xả không thích hợp, việc bảo quản không đúng… trong đó nguyên nhân chính là do người sử dụng vận hành lò hơi không đúng quy trình”.
Ông Phùng Huy Giật - Chuyên gia an toàn lao động

Để vận hành lò hơi cho thật an toàn, ông Giật cho biết: “Thường thì mỗi một lò hơi sẽ phải có một lao động vận hành canh lò. Các lao động này phải trực 24/24 giờ để vận hành, cấp nước, làm sạch lò hơi… Tuy nhiên nếu không được đào tạo, vận hành sai, nguy cơ lò hơi bị nổ vẫn có thể xảy ra”.

Theo ông Giật, ngoài nguyên nhân trên, có thể lò hơi quá cũ, không được dọn sạch, có thể không được cấp nước, hoặc cấp nước không chuẩn gây đóng cặn trong bình… cũng gây nổ. “Lò hơi chẳng khác gì một quả bom, nếu không được sử dụng đúng, không được cấp nước, áp suất trong lò tăng cao thì chỉ vài phút sau lò sẽ nổ tung, san phẳng mọi thứ. Cứ nổ lò hơi là chết” - ông Giật nói.

Hiện nay, lò hơi được sử dụng khá phổ biến trong sản suất, chế tạo trong các ngành: Dệt may, da giày, sản xuất gạch men, chế biến thủy hải sản…

Nhận định về nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ nổ lò hơi tại Thái Bình, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới việc nổ lò hơi. “Có thể có sai sót từ khâu kiểm nghiệm, vận hành, thậm chí không loại trừ cả nguyên nhân thiết bị là do người dân tự tạo, thiết bị không được kiểm nghiệm. Tuy nhiên, để biết được nguyên nhân chính xác cần chờ đoàn công tác làm việc. Dự kiến, đoàn công tác sẽ đưa ra kết luận vào chiều 1.11” - ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng cho hay, việc sử dụng lò hơi trong các cơ sở đã có Quy chuẩn 2008 quy định. Luật An toàn lao động năm 2015 cũng có quy định cụ thể về việc vận hành, kiểm nghiệm thiết bị lò hơi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem