Từ vụ thầy vụt rạn xương tay trò: Đau thể xác 1, đau tâm hồn 10

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 26/02/2016 06:55 AM (GMT+7)
Liên tiếp các vụ giáo viên sử dụng bạo lực để “dạy” học sinh thời gian gần đây đã khiến cho dư luận không khỏi bất bình và lo ngại. Sau vụ thầy giáo dùng gậy đánh làm học sinh bị rạn xương tay ở Thanh Hóa hôm 22.2, vấn đề về đạo đức nhà giáo lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ.
Bình luận 0

Đánh trò đến gãy tay, ngất xỉu...

Ngày 24.2, sau khi Báo điện tử Dân Việt của NTNN phản ánh, dư luận đã “dậy sóng” khi nhìn thấy hình ảnh cậu học sinh Đỗ Lân Anh  - lớp 8A Trường THCS xã Định Hòa (Yên Định, Thanh Hóa) ngồi trên giường bệnh với cánh tay bó bột trắng toát. Người khiến em Anh rạn xương tay lại chính là thầy giáo Đoàn Văn Học  - giáo viên Vật lý của Trường THCS xã Yên Định. Nguyên nhân của vụ bạo lực này là do Lân Anh mất trật tự trong lớp bị thầy Học gọi lên phòng hiệu trưởng rồi dùng gậy tập thể dục vụt nhiều nhát vào lưng, tay khiến em bị thương. Hiện, giáo viên này đã bị tạm dừng giảng dạy.

img

Em Đỗ Lân Anh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, Thanh Hóa.  Ảnh:  H.Đ

Từ vụ việc em Lân Anh nhìn lại, trước đó đã có rất nhiều học sinh trở thành nạn nhân của các thầy cô ngay trên bục giảng chỉ vì thầy cô nóng nảy không biết kiềm chế.

Tháng 12.2015, theo phản ánh của nhiều học sinh tại Trường THCS Cát Tài (xã Cát Tài, Phù Cát, Bình Định), trong tiết sinh hoạt của lớp 7A3 (lớp học do thầy Nguyễn Minh Đề làm giáo viên chủ nhiệm) ngày 31.10.2015, nhiều em học sinh tại lớp học này đã bị thầy Đề dùng hình thức xử phạt như… “tra tấn”. Cụ thể, em Lưu Thế P bị thầy Đề bắt nằm ngửa trên bục giảng rồi lấy nước đổ vào miệng. Ngoài ra, thầy Đề còn xử phạt 2 học sinh khác với các hình thức như bắt nằm sấp xuống nền nhà rồi dùng thước đánh, dùng tay tát vào tai chỉ vì  ngồi không đúng vị trí sơ đồ lớp, tự ý mở sổ đầu bài để xem...

Trước đó 15.5.2015 ngành giáo dục huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) đã phải thực hiện quyết định kỷ luật cảnh cáo trước toàn ngành giáo dục huyện, thôi giảng dạy và chuyển công tác đối với thầy giáo Võ Thế Lân (47 tuổi) giáo viên dạy môn Công nghệ của Trường THCS Phú Đa vì nhiều lần dùng tay, gậy  tre đánh học sinh trong giờ lên lớp.

Đau lòng nhất là sự việc xảy ra vào 9.1.2015, em Phước Hải – học sinh lớp 6 Trường THCS Phan Bội (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí  Minh) được cô giáo Thảo Vy – giáo viên môn Công nghệ gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Do không thuộc bài nên Hải bị cô giáo phạt bằng cách dùng thước đánh vào mông. Chỉ sau vài roi em này đã ngất xỉu. Ngay sau đó, Hải được đưa xuống phòng y tế trường rồi chuyển lên Bệnh viện Tân Phú, nhưng em này đã tử vong. Kết luận của cơ quan chức cho năng cho biết, em này có tiền sử động kinh, có thể vì bị đánh nên sợ quá mà tử vong.

Sai lầm của việc “thương cho roi cho vọt”

Theo phân tích của TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dù vì bất kỳ nguyên nhân gì thì hành động bạo lực của giáo viên với học sinh là một hành động không thể chấp nhận được: “Xã hội ngày trước vẫn thường ca tụng câu “thương cho roi cho vọt”, cũng quen với hình ảnh các thầy đồ phạt học sinh bằng roi vào mông khi mắc lỗi. Nhưng, hiện nay, những hành động ấy được coi là vi phạm nhân quyền, quyền trẻ em, vi phạm đạo đức của những người đứng trên bục giảng”.

“Xã hội ngày trước vẫn thường ca tụng câu “thương cho roi cho vọt”... Nhưng, hiện nay, những hành động ấy được coi là vi phạm nhân quyền, quyền trẻ em, vi phạm đạo đức của giáo viên.

TS Vũ Thị Thu Hương

Bà Hương cũng cho rằng, những tổn thương về thể xác đối với 1 đứa trẻ có thể nhanh chóng lành lặn theo thời gian, nhưng những chấn động về tinh thần sau đòn roi của học trò mới nghiêm trọng: “Đứa trẻ vừa sợ thầy cô, không tôn trọng thầy sẽ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, không coi thầy cô là một kênh để chia sẻ nữa. Điều này cũng có thể khiến cho các em sợ trường lớp và sa sút trong học tập”.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt cũng cho rằng: “Những hành động bạo lực đối với trẻ em ở ngoài xã hội- của một người bình thường đã là điều đáng lên án chứ đây lại là những người làm sư phạm. Các giáo viên hơn những người bình thường ở chỗ, họ được đào tạo bài bản, có trình độ, có nhận thức, họ hiểu về quyền, nghĩa vụ, thậm chí hiểu về tâm lý học nhưng họ vẫn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” dùng bạo lực với học trò thì còn ai dám tin tưởng giao phó con mình cho thầy cô, trường lớp nữa”.

img

Kỷ luật nghiêm giáo viên vi phạm

Đối với những trường hợp giáo viên dùng bạo lực để dạy học sinh như thế này cần phải có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc chứ không thể chỉ nhắc nhở, răn đe. Bởi lẽ, đây không còn thuộc phạm trù đạo đức sư phạm mà nó đã vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền, quyền trẻ em. Đứng trên bục giảng, mỗi thầy giáo cần là một tấm gương để học sinh noi theo. Nếu thầy giáo còn mắc phải những sai lầm cơ bản như thế này thì hỏi làm sao lại không có tình trạng bạo lực học đường, học sinh đánh nhau, chửi nhau tràn lan.

GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

img

Giáo viên cần biết kiềm chế

Áp lực của giáo viên rất lớn- đòi hỏi từ lãnh đạo, sự tin tưởng giao phó từ phụ huynh, sự nể phục từ học trò, sự giám sát của toàn xã hội… Cũng có thể vì thế mà thầy cô khó kiềm chế hơn trong những tình huống sư phạm bình thường nhất. Và khi đó, học sinh trở thành “bia đỡ đạn” để thầy trút tất cả những áp lực này vào. Do đó, một trong những tố chất quan trọng nhất mà giáo viên cần có đó là: Biết kiềm chế-nếu không làm được điều này thì khó có thể trụ lại với nghề.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem