Từ vụ tự dựng bia đá phản cảm ở đền Trần: Di tích "cha chung không ai khóc"

Thứ ba, ngày 05/05/2015 14:43 PM (GMT+7)
Thêm một vụ việc liên quan tới câu chuyện quản lý di tích vừa diễn ra tại khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại huyện Hưng Hà, Thái Bình. Chính quyền tự ý dựng 6 tấm bia đá cỡ lớn trong khu vực I, nhưng khi sự việc vỡ lở, câu chuyện lại lâm vào tình cảnh "cha chung không ai khóc”.
Bình luận 0

img

1 tấm bia tại đền thờ các vị vua triều Trần

Quản lý phức tạp theo kiểu chồng chéo, "cha chung không ai khóc” vẫn đang diễn ra ở các địa phương sở hữu di tích. Cụ thể, cuối tháng 4-2015, tại Khu di tích Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) xuất hiện 6 tấm bia đá cỡ lớn đặt tại 3 ngôi mộ và tại đền Vua, đền Thánh và Đền Mẫu trong khu vực I của quần thể di tích. Đáng chú ý là việc đặt những tấm bia này chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, và trái quy định pháp luật.

Nội dung các văn bia được Sở VHTT&DL đánh giá là thể hiện nhiều điểm sai lệch về nội dung, lời văn lủng củng, sử dụng văn cổ kết hợp với văn hiện đại, không đúng với ngữ pháp tiếng Việt, bản văn bia thể hiện bằng tiếng Anh lẫn lộn tiếng Việt không phù hợp với nguyên tắc dịch thuật; hình thức trang trí hoa văn trên các bia, nhất là phần chân bia không tuân thủ theo truyền thống mỹ thuật cổ Việt Nam. Một số bia đã được khắc chữ hoàn chỉnh nhưng lại bị tẩy xóa, sửa chữa nhem nhuốc làm mất mỹ quan nơi di tích tôn nghiêm…

Ông Bùi Công Phượng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình cho biết, sai phạm của chính quyền huyện Hưng Hà, Ban quản lý di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Triều Trần trong việc đặt hạ, dựng bia đá là không báo cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Khi Sở xuống đến nơi thì sự đã rồi. Về việc hạ đặt 6 tấm bia trên, Ban quản lý di tích huyện Hưng Hà đã vi phạm khoản 3, điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, vi phạm Nghị định 70 năm 2012 của về Chính phủ trình tự lập, phê duyệt, quy hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật về tu bổ di tích.

Đáng lưu ý là vi phạm Thông tư 18 về quy định một số nội dung cụ thể về tu bổ di tích. Sở VHTT&DL kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sai phạm trong quá trình đặt bia tại di tích để kịp thời xử lý… và lại rút kinh nghiệm.

Liên quan tới những sai phạm trong quản lý di tích, mới đây hàng loạt nhà cao tầng ngang nhiên được xây dựng tại Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội); trước đó Chùa Sổ - Di tích quốc gia thôn Ước Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) cũng từng bị người dân xây mộ "vây” xung quanh. Rồi vụ tu bổ chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ (Hà Nội); đình Ngu Nhuế (Hưng Yên), vụ đòi trả lại danh hiệu di tích cũng ở Đường Lâm, hay lùm xùm tại ngôi chùa Chân Long ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) với việc nhà sư trụ trì tự đưa tượng mới có khuôn mặt giống mình vào chùa, tự ý xây dựng, sửa chữa di tích…

Tuy nhiên, khi có sự vụ, tổn thất xảy ra thì quả bóng trách nhiệm được đá qua đá lại khiến cho việc phân tích nguyên nhân, xử lý trách nhiệm trở nên "chồng chênh”. Cuối cùng gần như hòa cả làng, hậu quả là chỉ có di tích là chịu tổn thất. 

Và thực tế, hàng loạt những hạn chế của việc quản lý di tích đang tồn tại: Có những ban quản lý thuộc UBND tỉnh quản 3 đến 4 di tích, nhưng thực tế các di tích đã được giao cho các huyện quản nên vai trò của ban khá mờ nhạt. Có những nơi ban quản lý ở cơ sở buông lỏng quản lý, để cho cộng đồng tự động trông nom và tùy tiện tu bổ sai trái, để xảy ra mất cắp cổ vật. Cùng với đó là thực trạng trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo các ban quản lý còn yếu; có sự tranh chấp quản lý nguồn thu giữa ban quản lý với chính quyền địa phương và người trực tiếp trông nom di tích; có nơi di tích lại không có nguồn thu nên không được ai chăm sóc…

Góp phần cứu vãn tình cảnh sai phạm quản lý di tích "cha chung không ai khóc”, Bộ VHTT&DL vừa hoàn thành dự thảo hướng dẫn kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích.

Đặt ra kỳ vọng hướng dẫn, quy định và phân cấp rõ ràng trong quản lý di tích, các nhà soạn thảo đã phác ra nhiều định hướng bao quát những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, trùng tu, tôn tạo, phát triển du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh… tại di tích, từ cấp độ di sản thế giới cho đến cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di tích ở cơ sở.

Dự kiến đến năm 2016, Bộ sẽ hoàn thiện dần các nội dung hướng dẫn, định hướng về việc thống nhất bộ máy quản lý di tích, phân cấp, phân nhiệm… Hy vọng, tới đây quy định mới sẽ là công cụ có tính pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn di tích hiệu quả.

(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem