Tục dựng nêu, dán giấy đỏ cầu may chiều 30 Tết của người Nùng xứ Lạng

Mộc Trà Thứ hai, ngày 04/02/2019 20:50 PM (GMT+7)
Cũng như nhiều dân tộc khác trên khắp cả nước, chiều 30 Tết, người Nùng xứ Lạng tất bật với các công việc từ chọn cây nêu, chặt nêu cho tới dọn dẹp bàn thờ gia tiên để chuẩn bị đón năm mới Kỷ Hợi.
Bình luận 0

Clip: Phong tục người Nùng xứ Lạng chuẩn bị mâm lễ cúng chiều 30 Tết.

Ngay từ rất sớm, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc Nùng ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã cùng nhau chặt cây nêu để chào đón năm mới. Những cây vầu, cây nứa thẳng đều tăm tắp và ngọn xum xuê sẽ được gia chủ lựa chọn. Ngoài cây nêu thì nơi đây cũng cắm cờ Tổ quốc như người dân cả nước.

img

Cắm nêu là phong tục đã tồn tại lâu đời của người Nùng xứ Lạng.

Anh Quang, thôn Nà Rọ, xã Song Giang, huyện văn Quan cho biết, chọn nêu thường phải chọn những cây thẳng nhất, đẹp nhất và có độ cao vừa phải. Đặc biệt ngọn nêu phải đẹp và nhiều lá xanh tươi để mong một năm mới nhiều may mắn và tài lộc.

img

Tục dán giấy đỏ ở ngoài cửa ra vào để cầu mong sự may mắn trong năm mới.

img

Trong một năm, người Nùng ăn nhiều Tết như: Tết Nguyên đán, Tết mồng 3 tháng 3, Tết mồng 5 tháng 5, Tết rằm tháng 7 (15 tháng 7 Âm lịch)... Mỗi cái Tết đều gắn với một tiết khí đánh dấu sự chuyển đổi của không gian và thời gian được đồng bào chào đón theo lệ tục riêng của dân tộc mình.

img

Bàn thờ gia tiên cũng được gia chủ dán giấy đỏ.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán cứ vào chiều 30 Tết, đồng bào dân tộc Nùng ở huyện Văn Quan nhất là thanh niên và trẻ nhỏ lại rủ nhau vào rừng lấy cây nêu về cho gia đình. Trong khi đó, người lớn ở nhà sẽ tiến hành dọn dẹp bàn thờ gia tiên, đốt rơm mới thay ông nhang trên bàn thờ. Đồng thời người dân ở đây còn có tục dán giấy đỏ ở cửa nhà, trên bàn thờ, chuồng gà, chuồng lợn... để cầu mong một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt.

Cây nêu (tiếng dân tộc gọi là mạy giới) được chọn từ cây tre trúc. Tùy theo khoảng rộng của sân và vóc dáng ngôi nhà mà chọn cây nêu to hay nhỏ cho phù hợp, miễn là cây đó phải đảm bảo các điều kiện: Thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá tỏa xum xuê.

img

Thanh niên trẻ tuổi lên rừng chọn nêu trong chiều 30 Tết.

Bà Triệu Thị Mọn (81 tuổi) dân tộc Nùng chia sẻ: "Chọn cây nêu là cây tre cao, to, thẳng, không sâu mọt, cành lá xanh tươi mượt mà từ gốc đến ngọn, cây không quá già hoặc quá non.  Đây là phong tục của người dân tộc có từ nhiều đời nay. Sau khi quét dọn nhà xong, nhà nào cũng dựng cây nêu trước sân, chuẩn bị mâm cơm cúng".

Theo quan niệm của người Nùng, cắm cây nêu là để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi mọi người cùng nhau vào rừng lấy cây nêu, họ vẫn hay kể rằng: Khi con người mới xuất hiện trên mặt đất, lúc ấy còn rất yếu thế. Quỷ dữ là bóng đen bao trùm, nắm giữ sức mạnh và toàn bộ đất đai. Người muốn làm nhà phải xin quỷ cho khoảnh đất bằng, nhưng quỷ không cho.

img

Cây nêu sẽ được cắm ngay trước sân nhà, sau đó mới tiến hành bày mâm cúng gia tiên.

Sau đó, người năn nỉ cho phép cắm một cây vầu trên mặt đất vào lúc mờ sáng và nói với quỷ không dám xin nhiều đất mà chỉ vẻn vẹn chỗ cắm cây và cái bóng của cây. Quỷ nghe nói "lọt tai", nên ưng thuận. Đến khi mặt trời lên và lúc về chiều nắng xiên khoai thì bóng cây cao vút bỗng trải dài, bóng cây đến đâu thì đất của người đến đó. Quỷ thua tài trí thông minh của người, phải "xa chạy cao bay", nhường đất đai cho con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem