Tướng Đồng Sỹ Nguyên với những câu chuyện đã trở thành giai thoại

Lương Kết Thứ tư, ngày 10/04/2019 17:01 PM (GMT+7)
Trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nói, cán bộ, chiến sỹ toàn quân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị chỉ huy dũng cảm, một tư lệnh chiến trường tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, với những câu chuyện đã trở thành giai thoại.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Điếu văn tại Lễ truy điệu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (ảnh Lê Hiếu).

Đọc Điếu văn tại Lễ truy điệu Trung ướng Đồng Sỹ Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ; sinh ngày 1.3.1923 tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Sauk hi điểm qua quá trình hoạt động cách mạng và công tác của Trung tướng Đông Sỹ Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, Trung tướng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người đảng viên cộng sản kiên trung, gương mẫu, thẳng thắn, trung thực, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trung tướng đã có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để vận chuyển cán bộ, chiến sỹ, quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các mặt trận phía Nam.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đưa linh cữu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (ảnh Lê Hiếu).

Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với chiến trường Trường Sơn, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Ông là vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn huyền thoại trong thời gian lâu nhất và là một trong hai vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ta phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Trên mọi cương vị chiến đấu, công tác và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường, các mặt trận.

Cán bộ, chiến sỹ toàn quân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị chỉ huy dũng cảm, một tư lệnh chiến trường tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, với những câu chuyện đã trở thành giai thoại, như quá trình xây dựng “Đường kín” Tây Trường Sơn - một kỳ tích của quân và dân ta.

Trung tướng luôn trọn vẹn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội; chính ônglà người quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để quy tập, chăm sóc các đồng đội đã hy sinh anh dũng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Sau khi nước nhà thống nhất, vị Tướng gắn liên tên tuổi với đường Trường Sơn tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Dù trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, ông luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành, không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, trong những năm tháng đầy khó khăn thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực, nhất là xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải...

Ông là một trong những người đưa ra ý tưởng xây dựng Công trình cầu Chương Dương và đường Hồ Chí Minh nối liền đất nước trên nền của đường mòn Trường Sơn huyền thoại năm xưa.

Những bài học kinh nghiệm, tổng kết công tác chỉ huy trong chiến đấu, lãnh đạo điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Trong cuộc sống hàng ngày, ông là người gần gũi, chia sẻ với tinh thần đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp sâu sắc.

Trung tướng luôn dành những tình cảm sâu nặng với quê hương - nơi mình sinh ra và lớn lên; với đồng đội - những người đã kề vai sát cánh trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ.

Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, luôn gần gũi, giản dị, bao dung.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không bao giờ ưu ái, mà ngược lại luôn khích lệ con cháu, người thân tự lực vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, làm việc có ích, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, vì đất nước.

Người con thứ tư của ông, Đại đội trưởng pháo binh Nguyễn Tiến Quân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Lễ an táng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ được cử hành vào hồi 17 giờ ngày 10.4, tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem