Hành trình đến lớp sau tết ở các vùng dân tộc: Nơi mải chơi, nơi hào hứng

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 26/02/2016 06:00 AM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, rất nhiều học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên còn mải chơi không chịu đến trường; trong khi học trò vùng miền núi Tây Bắc thì tạm ngừng chơi xuân để xuống núi tìm con chữ. Phóng viên đã ghi nhận không khí này ở một số địa phương.
Bình luận 0

Vắng hàng trăm học sinh

Trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại huyện Lăk (Đăk Lăk), có đến hơn 200 học sinh (HS) vắng học. Kết quả kiểm tra của Phòng GDĐT huyện này cho thấy, hầu hết các trường trên địa bàn đều vắng từ 10-50 HS trường. Đặc biệt ở các trường có đông HS DTTS, như Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô), Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang), Tiểu học Y Jut (xã Yang Tao) mỗi trường vắng đến 50 HS.

img

Trong ngày đầu tiên đi học sau tết, Trường Tiểu học Trần Phú có đến 50 HS vắng học. Ảnh: D.H

Cô Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú - nơi có đến 97% HS là con em đồng bào DTTS- cho biết, trong ngày thứ 2 đi học sau tết, toàn trường vẫn còn vắng 50 HS. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 20 HS chưa đến lớp. Ngoài một số HS bị ốm đau thì có một số em không đến lớp là do phải ở nhà giúp bố mẹ... thu hoạch mì (sắn) và rất nhiều lý do khác. Cũng theo cô Thúy, để khắc phục tình trạng HS bỏ học, nghỉ học dài ngày sau tết, nhà trường đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương đến từng gia đình tuyên truyền, tặng quà tết cho HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thể khắc phục một cách triệt để do công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn; nhiều gia đình dẫn con lên rẫy nhiều ngày không thể gặp được...

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Trưởng phòng GDĐT huyện Lăk, thì tình trạng vắng học sau tết chỉ diễn ra trong một vài ngày đầu. Hiện hầu hết các trường đã ổn định được số HS. Tuy nhiên, phòng cũng đang chỉ đạo các trường tiếp tục vận động HS trở lại lớp.

“Dụ” trò đến trường

Theo ông Trương Thức - Chánh văn phòng Sở GDĐT tỉnh Đăk Lăk, hiện chưa có thống kê chính thức về tình trạng HS bỏ học, nghỉ học dài ngày sau tết. Nhưng qua kiểm tra thực tế tại một số huyện vùng sâu, vùng đồng bào DTTS thì hầu hết các trường đều duy trì được sĩ số.

Có thể nói trong 2 năm trở lại đây, tình trạng HS bỏ học, nghỉ học dài ngày sau tết ở Đăk Lăk dù vẫn xảy ra, nhưng đã giảm mạnh. Có được việc này là nhờ sự nỗ lực của chính các thầy cô, của ngành giáo dục tỉnh và của cả các ban ngành khác ở các địa phương.

Nếu trước đây, mỗi dịp sau tết các thầy cô ở Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) phải “đau đầu” với việc HS vắng học thì hiện nay tình trạng này đã được khắc phục. Thầy Đinh Quang Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có được kết quả này là nhờ nhà trường đã phối hợp rất tốt với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cùng chung tay vận động, chia sẻ với những HS nghèo; tăng cường giám sát các điểm vui chơi giải trí... Bên cạnh đó, 2 năm nay trong buổi chào cờ đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhà trường đã phát động phong trào “tiết kiệm quà xuân” (mỗi thầy cô, HS góp từ 2.000- 3.000 để hỗ trợ động viên các HS nghèo).

Tại Trường Trung học cơ sở Hàm Nghi (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột) hiện cũng đã khắc phục triệt để tình trạng HS vắng học sau tết. Theo lãnh đạo nhà trường, có được kết quả này, ngay trước tết, nhà trường đã chủ động liên lạc với tất cả các phụ huynh, nếu phát hiện trường hợp HS nào có nguy cơ bỏ học thì sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Không chỉ thế, trường còn nhờ trạm truyền thanh của xã, thông báo lịch học sau tết cho các gia đình.

Tại huyện biên giới Buôn Đôn, nếu trước đây tình trạng HS bỏ học vắng học sau tết là “vấn nạn”, thì nay tỷ lệ này đã giảm ở mức rất thấp. Thống kê cho thấy toàn huyện chỉ có 20 HS vắng học sau kỳ nghỉ tết dài ngày, chủ yếu vì các lý do như đau ốm hoặc theo bố mẹ về quê ăn tết chưa kịp quay trở lại.

Do phong tục tập quán

 Vấn đề quản lý số học sinh sau các kỳ nghỉ thì Bộ đã phân cấp cho địa phương, những năm gần đây hầu hết các tỉnh đều chủ động lên kế hoạch và thực hiện ngày càng tốt. Lý do học sinh dân tộc thiểu số ở một số vùng vẫn chưa trở lại sau tết thường là do phong tục tập quán dân tộc, các kỳ lễ hội hoặc trúng vào mùa vụ.

Ông Trần Ngọc Sơn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GDĐT)

Lịch học căn cứ phong tục

Nhiều năm trước, trước tình trạng học sinh bỏ học, tỉnh Lai Châu đã ban hành khung thời gian năm học cụ thể, chi tiết theo phong tục địa phương. Tỉnh cũng thực hiện việc đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 về trung tâm xã học tập; một số học sinh lớp 1, 2 cũng được phụ huynh đồng ý đưa về trường chính học tập. Đến trường được đảm bảo ăn “ngon hơn ở nhà” nên từ mấy năm nay tình trạng học sinh bỏ học sau tết đã giảm đi rất nhiều.

Ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu

Tạo niềm vui để giữ trò

Ngày đi học đầu tiên mới chỉ có 50% các em đến lớp. Đây là điều đã được dự đoán nên buổi học đầu tiên chúng tôi không dạy học ngay, mà tổ chức các hoạt động vui xuân, Tết trồng cây cho học sinh ở điểm trường chính để tạo không khí học tập đầu xuân, đồng thời cũng là để thu hút học sinh sớm trở lại lớp. Buổi chiều, các thầy cô giáo tiếp tục toả đi các bản phối hợp với trưởng thôn, người có uy tín và các cấp hội để vận động cả phụ huynh và học sinh. Đến nay, hầu hết các em đều đến lớp đầy đủ, trừ những em đi theo bố mẹ ăn tết xa chưa về.

Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường THBT Chung Chải (xã Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên)

Tùng Anh - Lê San (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem