UBND tỉnh Bình Thuận cách chức oan cán bộ?

Nguyễn Tường Thứ sáu, ngày 13/05/2016 06:20 AM (GMT+7)
Ông Tiếu Hoa Năng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận vốn có 25 năm gắn bó với ngành. Ông được chi bộ tiến cử lên làm Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh. Thế nhưng chưa kịp được đề bạt, ông đã bị UBND tỉnh kỷ luật cách chức. Theo ông, quyết định này không những thiếu cơ sở mà còn trái luật.
Bình luận 0

Những quy kết mơ hồ

Ông Tiếu Hoa Năng kể: Tháng 10.2013, ông được Chi bộ Chi cục QLTT tỉnh đề đạt lên Đảng ủy Sở Công thương bố trí làm Phó giám đốc sở với quá trình 25 năm gắn bó cùng nhiều thành tích. Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy một tháng sau, đích thân Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Nhựt triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo sở và Chi cục QLTT để nghe bà Nguyễn Thị Vy Ni, nhân viên chi cục tố cáo sai phạm của ông. Cuộc “đấu tố” kéo dài từ 14h chiều đến 22h khuya.

img

Ông Tiếu Hoa Năng với quyết định kỷ luật mình.

Bà Ni tố cáo ông Năng đã trù dập mình, quy kết bà đã ăn chặn tiền của các cơ sở kinh doanh, lợi dụng bà vào mục đích xấu như theo dõi lãnh đạo sở. Căng thẳng kéo dài, sau cuộc họp, bà Ni đâm đơn tố cáo ông Năng lên chính quyền. UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo thanh tra và phải mất gần 1 năm mới ra kết luận những nội dung bà Ni tố cáo ông Năng là không có căn cứ. UBND tỉnh cũng đồng thời khẳng định việc giám đốc Sở Công thương Bình Thuận triệu tập cuộc họp như trên là sai nguyên tắc.

Sau bà Ni, đến lượt ông Huỳnh Minh Thế, một nhân viên khác “vào cuộc” tố cáo ông Năng sai phạm 14 nội dung. Thanh tra tỉnh lại vào cuộc, kết luận: Có 2 nội dung ông Thế tố cáo vừa đúng vừa sai. Một là ông Năng không công khai tài chính. Thực chất, ông Năng có báo cáo thu chi phát cho tất cả các cán bộ nhân viên Chi cục, nhưng ông có lỗi vì không… niêm yết trên bảng thông báo. Hai là, ông Thế trước đây là tổ trưởng tổ liên ngành kiểm tra, xử phạt khai thác khoáng sản. Trong thời gian một năm rưỡi ông đảm nhiệm, bắt được một vụ khai thác khoáng sản lậu. 5 tháng ông rời cương vị, Chi cục không bắt được vụ nào. Thực tế khi đó, nạn khai thác khoáng sản trái phép không còn. Nhưng ông Năng có lỗi vì không bổ nhiệm người thay thế vị trí ông Thế, đúng theo thủ tục.

Đặc biệt, nội dung ông Thế tố cáo được UBND tỉnh kết luận đúng, liên quan tới 12 phiếu chi tạm ứng và 12 phiếu thu hoàn tạm ứng với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng do ông Tiếu Hoa Năng phát hành. UBND tỉnh cho rằng ông Năng có sai phạm về nguyên tắc dù không gây thất thoát, không có tham nhũng. Thanh tra sở Tài chính sau đó vào cuộc cũng khẳng định hành vi này của ông không ảnh hưởng tới lượng tồn tiền mặt tại quỹ của Chi cục. Tuy nhiên, thanh tra sở vẫn xử phạt ông Năng 20 triệu đồng. Không đồng ý, ông Năng khởi kiện ra tòa và cơ quan này sau đó đã thu hồi quyết định xử phạt trên.

Số phận “treo”

Mọi việc tưởng đã rõ ràng, tuy nhiên, ngày 16.1.2015, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định số 166  kỷ luật cách chức ông Tiếu Hoa Năng vì lỗi: Để xảy ra mất đoàn kết nội bộ và vi phạm quản lý tài chính liên quan đến 12 phiếu chi tạm ứng và 12 phiếu thu tạm ứng nói trên.

Theo ông Năng, quyết định của UBND tỉnh là quá nặng và quan trọng hơn, đó là một quyết định trái luật khi vi phạm Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức. Ông Năng đã làm đơn khiếu nại lên nhiều cấp nhưng vụ việc bị “treo” hơn một năm nay. Ông quyết theo đuổi đến cùng vụ việc nhưng vì UBND tỉnh chưa ra quyết định giải quyết khiếu nại cho ông nên ông không thể tiến hành các bước thủ tục khác.

“Từ chỗ là Chi cục trưởng, tôi bị điều xuống làm nhân viên. Thậm chí còn bị giao việc cọ rửa nhà vệ sinh, cay đắng vô cùng. Vụ việc kéo dài, người ký quyết định kỷ luật cách chức tôi là Chủ tịch tỉnh Lê Tiến Phương nay đã về hưu. Sự im lặng của chính quyền khiến số phận của tôi không biết còn bị “treo” đến bao giờ”-ông Năng buồn rầu nói.

Đại diện Thanh tra tỉnh Bình Thuận, ông Trịnh Ngọc Duệ, giải thích: Việc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của ông Năng là do phải chờ ý kiến của Bộ Nội vụ. Ông Duệ cho biết thêm hiện Bộ đã có ý kiến trả lời, Thanh tra tỉnh đã tổng hợp báo cáo và hiện UBND tỉnh đang xem xét giải quyết khiếu nại của ông Năng.  

Quyết định của UBND tỉnh là trái luật

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ, phân tích: Theo khoản 1, điều 7, Nghị định 34/2011 NĐ-CP, thời hạn kỷ luật đối với công chức tối đa là 2 tháng. Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24.4.2014, Sở Công thương Bình Thuận báo cáo UBND tỉnh về trường hợp của ông Năng và đến ngày 16.1.2015 UBND tỉnh mới ra quyết định kỷ luật số 166 là quá hạn.

Thanh tra Sở Tài chính đã rút quyết định xử phạt về sai phạm tài chính trong khi UBND tỉnh vẫn căn cứ vào sai phạm tài chính để kỷ luật ông Năng là không có cơ sở. Mặt khác, trong Điều 13 Nghị định 34 quy định việc cách chức đối với công chức ở 4 điểm. Trong khi những hành vi của ông Năng mà quyết định 166 của UBND tỉnh mô tả không thuộc bất kỳ điểm nào của quy định này, cho nên việc cách chức này là trái nguyên tắc.

Theo ông Thành, trong trường hợp quyết định hành chính của UBND tỉnh là sai thì phải thu hồi và hủy bỏ, đồng thời đương nhiên phục hồi quyền lợi cho người bị xử lý kỷ luật sai. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem