Vẫn còn hơn 5.000 nhà dân tại Bình Định bị ngập, chia cắt trong lũ

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 05/12/2017 17:28 PM (GMT+7)
Vẫn còn hơn 5.000 nhà dân tại Bình Định bị ngập, chia cắt trong nước lũ. Nhiều tuyến đường ngập sâu đến gần 1m khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

img

Người dân Bình Định đang chống chọi với nhiều trận lũ trong thời gian ngắn.

Lũ chồng lũ, làng mai xơ xác

Xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) được mệnh danh là “thủ phủ” mai kiểng của cả miền Trung. Toàn xã có 5 thôn trồng mai với hơn 1.000 hộ dân chuyên canh mai cảnh phục vụ dịp Tết với tổng số lượng vài triệu cây. Sau khi lũ rút, nhiều vườn mai chìm trong nước thời gian dài trở nên trơ trọi, xơ xác lá.

Anh Đặng Thái Nam (22 tuổi, thôn Trung Định, xã Nhơn An) than thở: “Trong vòng 1 tháng có đến 3 đợt lũ tấn công khiến vườn mai của gia đình tôi lâm cảnh lao đao, lần nào cũng ngập lút đọt, kéo dài cả tuần. Lớp bùn nhét trong lá, búp, nụ trong đợt lũ trước chưa kịp rửa sạch thì cơn lũ khác ập đến, bùn đất lại tiếp tục nhét kín vào. Kiểu này, các nhà vườn không hy vọng có mai bán Tết”.

img

Lũ rút, các vườn mai dầm nhiều ngày trong mưa lũ trở nên xơ xác.

Theo các chủ vườn trồng mai cảnh ở Nhơn An, đợt lũ gần đây nhất xảy ra từ ngày 3.12 đúng vào thời điểm cây mai vừa được cắt xả, uốn cành lần cuối để chuẩn bị bán Tết. Cây mai đang “chuyển mình” nên yếu sức, bị ngâm nước lũ nhiều ngày nên ảnh hưởng sinh trưởng phát triển đến 50%. Những vườn mai đã 3 - 4 tuổi, nằm trên những vùng trũng thấp bị ngập lũ kéo dài cả tháng nay đã có dấu hiệu rụng lá, chết dần.

Theo anh Võ Văn Đức - chủ nhà vườn mai Bonsai, năm nay do thời tiết bất lợi, khoảng tháng 7 - 8 âm lịch nắng gay gắt. Tuy nhiên, gần 1 tháng trở lại đây mưa lũ liên miên, cây mai phát sinh sâu và bệnh thán thư, bệnh này làm lá mai thối rữa hết. Trong khi đó, mưa liên tục nên các nhà vườn không thể phun thuốc trừ sâu.

“Cây mai gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi nên nụ hoa không phát triển và búp ra không đều, dẫn đến cho hoa ít và chất lượng hoa không đạt. Sau khi nắng lên, chúng tôi phải phun thuốc kích thích nụ để cứu vãn mùa hoa Tết năm nay”, anh Đức lo lắng.

img

Mưa lũ đang khiến các nhà vườn ở làng mai Nhơn An lo lắng.

Hơn 5.000 nhà dân bị chia cắt

Theo UBND huyện Tuy Phước, dù lũ đang rút nhưng vẫn còn 1.718 nhà ngập nước ở Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Lộc, thị trấn Tuy Phước. Bên cạnh đó, nước lũ đã gây sạt lở nghiêm trọng ở các tuyến đê với tổng chiều dài hàng chục mét, nhiều tuyến đường bị ngập nước, có nơi nhập sâu tới 0,4 - 1,2m khiến người dân không qua lại được.

Ông Trần Kỳ Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, lũ đang rút chậm nhưng tuyến tỉnh lộ ĐT 640 nối từ trung tâm huyện về các xã khu Đông còn bị ngập sâu nên người dân phải đi xe ben vượt qua dòng nước.

“Hơn 30.000 học sinh các cấp ở những địa phương tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình”, ông Quang thông tin.  

img

Nhiều nơi tại Bình Định chìm trong nước lũ.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, địa phương này đã có 7 nhà sập, hư hỏng, 26.897 nhà ngập nước. Vẫn còn 5.540 nhà ngập gây chia cắt, 710ha lúa Đông Xuân mới sạ, 140ha hoa màu chìm trong lũ, 764m đê sông, 1,3km kênh nội đồng bị sạt lở và nhiều cầu bị hư hỏng, các tuyến đường bị ngập nước gây chia cắt cục bộ. 

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cho hay, mực nước lũ sông Kôn đang xuống. Lúc 16h chiều nay, trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn đạt 70.56m (dưới báo động 1 là 0.44m), tại Bình Nghi: 15.79m (trên báo động 1 là 0.29m), tại Thạnh Hòa: 7.49m (trên báo động 2 là 0.49m). Trong 12 giờ tới, có khả năng mực nước lũ hạ lưu sông Kôn tiếp tục xuống chậm.

img

Lực lượng cảnh sát giao thông Bình Định hỗ trợ người dân ứng phó với mưa lũ.

Ngày 5.12, trao đổi với Dân Việt, trung tá Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Bình Định) cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 140 lượt chiến sĩ cảnh sát giao thông tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân đối phó với mưa lũ. Lực lượng được huy động tối đa túc trực tại nhiều vị trí, khi phát hiện nước lũ tràn qua đường, xói lở… thì chốt chặn và cảnh báo cho người dân. Những đoạn nào nước lũ sâu chốt chặn 24/24 giờ, khi nào đi được thì chúng tôi sẽ phân luồng. Đồng thời, anh em cũng hỗ trợ đưa người dân về nhà được an toàn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem