Văn hóa ứng xử

Thứ hai, ngày 04/11/2013 13:48 PM (GMT+7)
Hôm nay ngồi nghe anh bạn kể vừa đi cứu trợ bão lũ miền Trung về, rằng anh đến một nhà, thấy ông chủ bảo chưa nhận được tí gì, chưa có gì, vẻ rất thành thật chờ đợi.
Bình luận 0
Bạn tôi là thủy thủ tàu viễn dương, ăn sóng gối gió, từng trải đời, nên nghi ngờ chuyện đó.

Anh biết đã có loạt cứu trợ qua đây rồi mà sao gia đình này chưa được. Anh chợt nghi ngờ địa phương có gì khuất tất. Anh tìm hỏi thì cán bộ địa phương nói đã làm chu đáo. Họ lúng túng bảo nhau tìm sổ sách...

Luẩn quẩn một lúc, nhác thấy thằng con chủ nhà quanh quẩn, anh rỉ tai hỏi nhà được cứu trợ gì không, nó lặng lẽ chỉ tay lên gác…

Bất chợt anh nhìn thấy mấy thùng mì tôm chất gọn trên đó, chưa kịp đậy điệm. Thì ra chủ nhà láu cá, thấy đoàn sau đến lại định xin suất nữa.

Bão lụt thiên tai, nơi nơi đóng góp cứu trợ, dù có rồi nhưng một số lòng tham vô bờ bến, sẵn sàng giấu giếm cốt để xin thêm. Lối sống tham lam và thiển cận đó còn nằm trong một số người khiến sự đôn đáo của người làm cứu trợ mất hứng. Bao giờ mọi người dân thực sự có được lối sống đàng hoàng? Nghe chuyện tôi cứ băn khoăn trong đầu.

Lại nhớ vài ba năm nay, đi Hà Giang lên cao nguyên đá thấy cuộc sống có gì khang khác… Khi ô tô qua, các cháu nhỏ xô ra xếp hàng vẫy tay chào đón. Nếu xe chợt đỗ, trẻ con và sau đó là người lớn sẽ cùng xô ra.

Thì ra những gói kẹo chia sẻ của du khách, những gói bánh được chia từ người qua đường bỗng dưng thành phản xạ có điều kiện cho họ. Tất cả nghĩ cứ xe đến thế nào cũng được bánh được kẹo, chúng vẫy tay là vì thế. Tôi bất chợt nghĩ lại, mình cũng nhiều lần làm như thế với ý nghĩa chia sẻ niềm vui với các cháu. Nhưng khi thường xuyên như thế thì tâm lý ngóng chờ vài thứ vặt vãnh ăn vào dần tiềm thức thì trở thành sự ỷ lại khiến tôi thực sự thất vọng.

Chia sẻ là việc cần làm nhưng cách làm thế nào để cùng nhau hiểu đó là sự nâng đỡ tình cảm, khích lệ nhau sống và làm việc cho có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống hàng ngày…

Chính sách của Nhà nước có rất nhiều để nâng đỡ cho vùng cao, nhưng thiết nghĩ là để hỗ trợ người dân vận động vượt qua những khó khăn chứ không phải thành trách nhiệm ban phát. Nếu là ban phát, thì sớm muộn tâm lý chực chờ sẽ đi vào lối sống, muốn được cho càng nhiều càng tốt. Mà như thế chính sách sẽ thất bại!

Có lẽ phải cùng nhau nghiên cứu lại về cách cứu trợ, hỗ trợ và kể cả cách làm từ thiện, nếu không sẽ nhiều hệ lụy xảy ra. Suy cho cùng cái gốc vẫn là từ văn hóa ứng xử mà ra.
Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem