Vào vùng rốn lũ

Thứ hai, ngày 15/08/2011 13:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mùa lũ ở ĐBSCL năm nay về sớm. Những dòng nước ngầu đục ngậm đầy phù sa, mang theo bao sản vật làm trù phú thêm vùng đất đồng bằng này. Mấy ngày qua, nông dân hân hoan đón lũ...
Bình luận 0

“Cả tháng nay, bà con vùng lũ ai nấy cũng đều vui ra mặt, sốt sắng tranh thủ sửa chữa ghe xuồng, trang bị lờ, lọp, lưới cá để mưu sinh” - chú Sáu Thố - ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp hăm hở.

Đi qua vùng lũ

Để đến được 2 huyện đầu nguồn vùng lũ Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp), từ tinh mơ sáng, từ QL 91 trải dài từ Cần Thơ - An Giang chúng tôi rẽ nhánh vào đường tỉnh 941, huyện Châu Thành. Ven 2 bên vệ đường các ấp Vĩnh Phước, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hanh (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), cả tháng nay người dân nơi đây đã bày bán một số sản vật của mùa lũ.

img
Lũ về nhiều em nhỏ ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) làm thêm phụ giúp gia đình.

Chú Tám Oảnh - ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang cho biết: “Vào thời điểm này năm rồi, nước lũ chẳng thấy đâu cả. Năm nay thì nước lũ về sớm, bà con hết sức hoan hỉ, vui ra mặt”.

Dưới cái nắng rát của miệt vùng biên, chúng tôi tiếp tục vòng qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên xuống thị xã Châu Đốc, rồi đến huyện An Phú - 1 trong những huyện đầu nguồn của vùng lũ. Anh Huỳnh Thanh Phong - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú, cho biết: “Mặc dù mực nước lũ đầu mùa bắt đầu đổ mạnh, nhưng tình hình sản xuất ở vùng biên giới khá ổn định. Hầu hết các diện tích lúa và rau màu đều thu hoạch cơ bản dứt điểm. Huyện có đến 10 tiểu vùng đê bao an toàn giúp bà con yên tâm sản xuất khi lũ về”.

Ở vùng thượng nguồn của vùng lũ, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người hì hục cưa gỗ, người thì khệ nệ khênh vác đất đá tất bật gia cố, dựng lại nhà. Rồi tiếng chát chúa, tiếng đóng đinh của người dân đóng ghe, xuồng để làm phương tiện đi lại trong mùa lũ vang rền…

Rời Tân Châu, chúng tôi phải mất gần 20 phút đi phà mới qua được đến bên kia của phía bờ huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp. Nước trên sông Tiền mùa này chảy xiết vô cùng. “Tranh thủ đóng mới lại cái ghe, nghe nói đâu năm nay nước lên cao hơn mọi khi. Vậy là lại thêm tôm, cá về nhiều. Trong nhà có ghe là mình thấy yên tâm, bởi nó là phương tiện đi lại để mưu sinh chính của người dân vùng lũ” - anh Võ Văn Tấn - ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, xởi lởi nói.

“Ăn theo” mùa lũ

Theo dòng sông Hậu, nước lũ đã rục rịch mấp mé trên các cánh đồng biên giới Phú Hội, Bắc Đai, và Vĩnh Hội Đông (An Giang). Từ vàm sông Tiền, lũ cuồn cuộn đổ vào kênh Bảy Xã, đồng biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc. Trên đồng biên giới, hàng nhóm người giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp… đã hoạt động rôm rả.

img
 

Đêm ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi có dịp “tháp tùng” theo chân vợ chồng anh Trần Văn Tý - chuyên sống nghề bắt ếch bằng cách đặt lọp mùa lũ. Anh Tý, bộc bạch: “Nhà nghèo, lại ít học nên chẳng biết làm gì, tôi làm cái nghề này quanh năm, suốt tháng để kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Lũ năm nay về sớm, nên hổm rày mỗi đêm tiền bán ếch cũng tròm trèm được 200.000 đồng”. Mùa lũ năm nay anh Tý đã chuẩn bị gần gấp đôi mùa trước. Đó là khoảng 300 cái lọp để bắt ếch.

Còn tại cụm tuyến dân cư bờ kênh Tha La, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, An Giang, anh Lê Hoàng Sơn đang tỉ mỉ, chăm chút vuốt từng cần câu. Anh hăm hở: “Mùa lũ năm nay nước nhiều, vợ chồng tôi đã chuẩn bị trên trăm cần để cặm câu. Năm nay nước nhiều, hy vọng sẽ dính được nhiều cá”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm - ngụ xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, hớn hở ra mặt: “Lũ về sớm nhờ vậy mà mấy bà vợ cũng khỏe được phần nào”. Tôi hỏi chị Thắm cười giòn, nói: “Khỏe vì mấy ổng ít đi ăn nhậu, ở nhà tất bật lo sửa soạn lại đồ nghề đánh bắt ếch, nhái, cá, tôm kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Bù lại lũ năm rồi không có cá, mấy ổng ăn nhậu bí tỉ, vợ chồng cãi cọ suốt ngày”.

Năm nay lũ về sớm nên bà con ở vùng lũ ai nấy cũng vui ra mặt. “Không vui sao được chỉ riêng những người đánh bắt nhỏ lẻ như tôi hàng đêm chí ít cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Bù lại mùa lũ năm rồi người dân “ngóng” hoài nhưng chẳng thấy lũ đâu, tiền bán cá tôm mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn đồng. Lũ năm rồi thấp quá, ếch, nhái đâu chẳng thấy buộc lòng tôi phải “treo” gần 150 cái lọp để đi làm thuê” - anh Tý bộc bạch.

Tại huyện Châu Thành, An Giang do mùa lũ năm 2010 quá thấp nên một số mô hình nuôi trồng thủy sản không phát triển mạnh. Riêng số lồng, bè nuôi cá cũng chỉ còn 35 chiếc, giảm 30 chiếc so với cùng kỳ.

Còn năm nay? Trời xế chiều, chúng tôi rảo ngang qua các xã Thường Lạc, Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự hiếm lắm mới thấy cảnh mấy “bợm nhậu” tụm năm tụm ba để cà kê dê ngỗng. Một “hiện tượng” khác hẳn so với mùa lũ năm rồi. Đâu đâu người dân cũng hối hả chuẩn bị lọp, lờ, ghe, xuồng, lưới cá… Chủ đề chính mà họ bàn tán chỉ xoay quanh chuyện nước lên thế nào, con cá, con tôm ra sao...

Bài 2: Kỳ vọng mùa lũ đẹp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem