Vẽ chân dung Bác Hồ bằng tem

Thứ tư, ngày 18/05/2011 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thể hiện sự kính yêu, ngưỡng mộ Bác Hồ theo cách của riêng mình, ông Lâm Thành Ron ở xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi đã cất công sưu tầm tem để ghép chân dung Bác.
Bình luận 0

Anh lính có thú sưu tầm tem

Rời quân ngũ đã 40 năm, nhưng ông Ron vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên làm "Bộ đội Cụ Hồ" của mình. Ông kể: “Tháng 8.1945, tôi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương bằng việc… đi chân đất, vác gậy tre đuổi lính Nhật đóng ở gần đó. Sau đó hai tháng, tôi lại chân đất lội bộ hơn 60km đến tận điểm tuyển quân ở TP. Quảng Ngãi hiện nay để đăng ký vào bộ đội”.

img
Ông Lâm Thành Ron bên bức chân dung Bác Hồ được gắn bằng tem thư.

Mặc dù sức khỏe không đảm bảo, nhưng trước sự nài nỉ của ông nên cán bộ tuyển quân đã chấp nhận cho ông nhập ngũ vào Phân đội Phan Đình Phùng, rồi tham gia nhiều trận đánh ở hầu khắp các chiến trường Khu 5.

Hiệp định Geneve được ký kết, ông tập kết ra Bắc và chỉ ít lâu sau lại trở về Nam. Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường, ông lại trở ra Bắc do sức khỏe yếu vì sức ép của bom Mỹ. Trong khoảng thời gian này, cứ mỗi lần chuyển đến nơi ở mới, ông lại nhận được thư từ người quen ở những vùng đất mà ông đã đi qua. Ông thường vuốt ve con tem mỗi khi đọc xong thư rồi lưu giữ cẩn thận trong hành trang của mình.

Năm 1971, rời quân ngũ với quân hàm thiếu úy, ông lại càng nhận được nhiều thư từ những người bạn, người đồng chí ở hai miền Nam - Bắc, cả những người đang học tập và công tác ở nước ngoài. Bộ sưu tập tem của ông ngày càng nhiều thêm theo năm tháng. Năm 1976, ông trở về Nam cùng với tài sản quý giá nhất là bộ sưu tập với những con tem, trong đó nhiều nhất là tem mang hình của Bác.

Bức chân dung về Bác bằng tem

Ở trên đất Bắc, ông đã may mắn được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm đơn vị vào một buổi chiều cuối năm 1960. Khi đó ông đang công tác ở Cục Doanh trại, Bộ Quốc phòng. Một con người đã bôn ba bốn biển năm châu, đối mặt với nhiều kẻ thù mà rất đỗi bình dị đã để lại trong lòng ông niềm kính yêu vô hạn.

Một buổi trưa năm 1969, khi ông đang điều trị tại Bệnh viện 42, Bộ Quốc phòng, cách TP.Vinh khoảng 5km thì hay tin Bác mất. Cả bệnh viện đều giàn giụa nước mắt. Ông tự nhủ lòng phải làm một điều gì đó để thể hiện lòng kính yêu đối với Bác và ý tưởng vẽ chân dung của Bác bằng tem ra đời.

Dù đã ở tuổi 82, nhưng ông Lâm Thành Ron vẫn tích cực tham gia công tác xã hội với chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phổ Thạnh. Trong nhiều năm liền, Hội Người cao tuổi xã luôn được công nhận là một trong những cơ sở hội xuất sắc cấp tỉnh.

Năm 1990, ông đóng một tấm bảng gỗ, gắn nhựa và nhờ người cháu là họa sĩ phác họa chân dung của Bác. Ông lại nhớ đến những nơi mà Bác đã đi qua trong khoảng thời gian 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước. Và thế là hình bản đồ của 28 nước, những nơi Người đã từng đặt chân đến, được ghép bằng tem trong khung hình chữ nhật để làm đế nâng bức chân dung.

Cứ sau giờ làm việc, ông lại mày mò cắt dán cho đến tận khuya. Hơn hai tuần làm việc cật lực, ông đã hoàn thành việc khắc họa chân dung của Bác bằng tem. Hôm xong việc, ông mời một số người bạn đến nhà và làm mâm cỗ cúng Bác, kể chuyện về Bác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem