Vì sao trở lại?

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 09:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 15 năm gắn bó cùng blog với hơn 3.000 bài viết về Việt Nam, John Fisher- từng là cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, vẫn đau đáu một nỗi niềm: Trở lại Việt Nam.
Bình luận 0
img
Cựu binh Mỹ John Fisher (trái).

Ông lại chuẩn bị lên đường sang Việt Nam ư? Tại sao thế? Câu hỏi này tôi vẫn thường nhận được, phần lớn từ những cựu chiến binh. Tôi cũng là một cựu chiến binh, nên tôi hiểu sự hoài nghi của họ. Thế rồi 34 năm sau ngày chiến tranh, tôi cũng đã dũng cảm tìm về chiến trường xưa , đó là một ngày của tháng 3-2003, đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.

Sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay của thành phố, ký ức cứ ùa về như bão lũ.

Tôi nhắm mắt để cho lòng mình tĩnh lại, bỗng một người đàn ông cao lớn hơn hẳn so với vóc dáng bình thường của một người châu Á tiến về phía tôi. Ông ta hỏi tôi: Ông đến từ đâu? Ông đã bao giờ đến Việt Nam chưa? Tôi trả lời: Tôi đến đây từ trước năm 1975 (thời điểm cuộc chiến tranh chưa kết thúc).

Bác sĩ Fisher lần đầu tiên trở lại Việt Nam năm 2003 với tour Vì hòa bình (Tours of Peace). Năm 2009, ông cùng vợ Lindsley Field dẫn đầu đoàn cựu binh Mỹ tới Việt Nam thông qua tổ chức "Trái tim những người lính" (Soldier's Heart) và từ ngày 26-3 tới 12-4-2010, ông tiếp tục đến Việt Nam trong sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh.

Người đàn ông đó nói lớn: "Ồ, vậy là ông đã chiến đấu chống lại chúng tôi?", nói đoạn, người đàn ông kéo áo lên, để lộ phần sẹo ở bụng và tiếp lời "Tôi là Việt Cộng đấy". Cảm giác bị sốc đến với tôi nhanh chóng, nhưng người đàn ông đó lại nói tiếp: "Nhưng không sao, đó là trước kia thôi, bây giờ chúng ta là bạn ". "Là bạn?", tôi như không tin vào tai của mình, đó là hành động hiếm thấy của những người vốn coi nhau là kẻ thù. Nhưng ơn chúa, ở mảnh đất này, không chỉ có người đàn ông cao lớn kia biết tha thứ và cao thượng như vậy.

Sau này tôi hiểu rằng, phần lớn người Việt đều rất vị tha, họ chăm chỉ làm việc vì sự phát triển chung của cộng đồng, họ yêu thương nhau và biết yêu thương người khác- thậm chí cả chúng tôi- những người đã chĩa súng vào họ.

Ngoài mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh cho các cựu chiến binh, chúng tôi còn thực hiện các chuyến đi chữa trị cho người khuyết tật, bệnh nhân tại Việt Nam.

Chúng tôi cũng mời các chuyên gia y tế khác cùng tham gia với chúng tôi và đã dần hoàn thiện thành một đội công tác hoạt động từ thiện và đã chữa trị cho tổng cộng 1.500 bệnh nhân trong suốt các chuyến đi của chúng tôi tại Việt Nam đồng thời chúng tôi còn truyền đạt lại các phương pháp này lại cho các kỹ thuật viên Việt Nam.

Tôi đã nhận ra một chân lý: Chỉ khi hòa mình với cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi mới cảm nhận rõ tình yêu và sự khoan dung từ những con người nơi này, những con người mà chúng tôi đã từng chiến đấu chống lại họ, chỉ bởi vì họ sẵn sàng khép lại quá khứ và tha thứ. Và sự tha thứ đó đã giúp chúng tôi chữa lành vết thương chiến tranh của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem