Viện phí tăng cao… về nhà chờ chết
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mỗi năm tiếp nhận khoảng 30% bệnh nhân nghèo, từ vùng sâu, vùng xa. Đa phần họ đều gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có người còn phải xin dừng điều trị vì hết tiền. Mới đây, ngày 13.1.2012 các bác sỹ đã phải chứng kiến tình cảnh gia đình một sản phụ mới 14 tuổi ở Mộc Châu, Sơn La xin cho con về nhà chờ chết vì không có tiền điều trị.
|
Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ tối đa là 20 triệu đồng phí điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) nên gia đình vẫn không thể kham nổi những khoản chi phí còn lại như tiền ăn, ở, đi lại, thuốc men… Ước tính, số tiền này có thể lên đến 40 triệu đồng.
Hơn 15 năm làm bác sĩ điều trị, năm nào bác sỹ Cấp cũng gặp phải những trường hợp đau lòng như vậy. “Cá biệt có những trường hợp, bệnh nhân điều trị xong còn “bùng” viện phí. Vài năm sau bệnh viện vẫn không thể truy thu lại được vì bệnh nhân quá nghèo. Tính ra, số tiền nợ viện phí của đối tượng này lên tới vài trăm triệu. Không còn cách nào khác bệnh viện đành phải bỏ tiền ra để bù đắp” – BS Cấp cho biết thêm.
Đang nằm điều trị tại Khoa chạy thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Giang (Hải Dương) bàng hoàng khi nghe thông tin sắp tới đây sẽ tăng viện phí. “Trung bình mỗi tháng tôi phải chi phí hết 6-8 triệu. Đó là chưa kể một số khoản như tiền thuốc, tiền điều trị đã được BHYT chi trả đỡ”. Mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế không có, nên dù chỉ phải đồng chi trả 5% số tiền chữa bệnh, cả nhà bà đã phải “gồng” hết sức mới lo được. Giờ, với mức viện phí mới, ước tính, bà có thể phải đồng chỉ trả thêm khoảng 500.000 đồng mỗi tháng. Thêm một đồng là thêm một gánh lo toan, bà Giang thở dài: “Lâu dài, chắc tôi chỉ còn nước về nhà mà chờ chết”.
Theo thông tư quy định tăng viện phí mới, giá một số loại dịch vụ y tế có thể tăng từ 10 đến 40 lần. Ví như dịch vụ dịch vụ xét nghiệm máu, tăng hơn 10 lần (6 nghìn lên tới 70 nghìn), dịch vụ sinh thiết tủy xương tăng gấp 40 lần (từ 30 nghìn lên tới 1.240 nghìn đồng)…. )…. Nếu “áp” theo giá viện phí mới này, chắc chắn mức phải đồng chi trả 5% với những người có thẻ BHYT cũng sẽ tăng lên.
Bệnh viện cũng “bí”
Trong khi còn không đầy 1 tháng nữa là giá viện phí mới có hiệu lực, thì tới thời điểm này các bệnh viện vẫn chưa biết sẽ phải triển khai “tăng” viện phí như thế nào cho hợp lý hợp tình.
Ông La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khẳng định: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin mới nào hướng dẫn về việc tăng viện phí mới”. Mỗi năm bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chỉ thu chưa đến 1 tỷ đồng tiền viện phí vì hiện nay có đến 80% bệnh nhân là người nghèo.
Vì thế, kể cả khi viện phí tăng thì khoản thu của bệnh viện cũng không đáng kể. “Viện phí chưa tăng mà mỗi ngày tôi đã phải tiếp hàng chục bệnh nhân đứng xếp hàng chờ xin “miễn” viện phí. Giờ viện phí tăng, không biết bệnh nhân nghèo còn xếp hàng đông cỡ nào và bệnh viện phải khổ tới cỡ nào nữa?” – Ông Cương lo lắng.
Đó cũng là thực tế chung của rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương, địa phương từng điều trị cho bệnh nhân nghèo. Niềm vui được tăng thu viện phí chưa thấy đâu, mà nỗi lo bệnh nhân nghèo không có tiền trả viện phí đã hiện hữu.
Đứng ở góc độ chuyên môn, PGS. TS Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E Trung ương cho rằng việc tăng viện phí đúng là nên làm. Tuy nhiên, lý vuông mà… tình lại tròn đã khiến ông không khỏi lo lắng: “Lâu nay, mặc dù bệnh viện cùng các tổ chức làm từ thiện cũng đã hỗ trợ phần nào cho bệnh nhân gặp khó khăn, nhưng số tiền đó chỉ như “muối bỏ biển”.
Giờ viện phí tăng trong khi BHYT chưa được phổ cập sẽ khiến cho hàng triệu bệnh nhân nghèo trong cả nước lâm vào cảnh khốn cùng”. Ông Nghị e ngại “người bệnh nghèo khi không được hỗ trợ điều trị sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực. Xin miễn viện phí không được thì “bùng”. Không được hỗ trợ, không “bùng” được thì… không chữa nữa”.
Cần “tái khởi động” quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo
Dù Bộ Y tế đã “biện minh” nhiều cho dự thảo tăng viện phí lần này, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn không khỏi nghi ngại. Đa phần đều cho rằng, dự thảo tăng viện phí là một “bước đi” có phần hơi vội của ngành y, khi mà BHYT chưa thể phổ cập và các chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo chưa được hoàn thiện.
Nhìn nhận từ góc độ nhân văn, bà Dương Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Đa phần, bệnh nhân nghèo đều từ vùng khác đến điều trị. Mặc dù đã được hỗ trợ phần nào, nhưng họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nhóm bệnh nhân nghèo, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính”.
Theo kiến nghị của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, trong khi chờ đợi việc phổ cập BHYT toàn dân, Bộ Y tế nên nhanh chóng đưa Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo vào thực hiện. Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Chính sách BHYT (BHXHVN) tiết lộ: “Trước mắt, BHYT đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng biện pháp hỗ trợ cho người nghèo.
BHYT sẽ phối hợp với đơn vị khám chữa bệnh thực hiện khám và thẩm định, nếu đúng bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể được quỹ và bệnh viện hỗ trợ điều trị”. Trong trường hợp, bệnh nhân không có khả năng chi trả chả thì quỹ sẽ xem xét miễn phí 100% tiền điều trị.
Đồng tình với ý kiến đó, ông Đại cho rằng: “Chỉ khi làm được những điều đó thì những tác động bất lợi của tăng viện phí đối với đời sống của người dân mới được giảm thiểu”.
Trước đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguồn kinh phí Nhà nước thì có hạn. Do vậy, trước mắt để thực thi quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, chắc chắn vẫn phải trông đợi vào sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.