Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định

Thứ hai, ngày 07/06/2010 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đông Á đang nổi lên ngày càng mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực vào việc hồi phục nền kinh tế thế giới trong giai đoạn khủng hoảng và ngày càng có tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu...
Bình luận 0
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 2 của WEF Đông Á tổ chức sáng 6- 6.

Đó là nhận định của các vị đứng đầu các nước Đông Á cũng như lãnh đạo các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới trong phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á) với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu” diễn ra vào ngày 6-6 tại TP.HCM.

Đối phó hiệu quả với khủng hoảng

Trong bài phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới. Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng; có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới”.

Ông Kiat Sitheeamorn - Phó Thủ tướng Thái Lan khẳng định, trong khi các châu lục khác đang vật lộn với những tác động do khủng hoảng kinh tế mang đến thì châu Á là khu vực đầu tiên vượt qua được cuộc khủng hoảng này và phục hồi một cách ngoạn mục. Các nền kinh tế Đông Á phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu nhập khẩu của các nước phương Tây và thực tế đã chịu nhiều thiệt hại rất lớn về kinh tế do không xuất được hàng hóa. Nhưng với chính sách uyển chuyển, chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang nâng cao tiêu dùng nội địa và thực hiện nhanh chóng các gói kích thích tài khóa, đã sớm bình ổn nền kinh tế.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá mức tăng trưởng liên tục trên 8% của châu Á đã mang lại những lợi ích khổng lồ cho phần còn lại của thế giới. Tiêu dùng nội địa tăng nhanh nhờ các gói kích cầu tiền tệ lớn hơn ở châu Âu, các gói kích cầu đều không dưới 4% GDP đã bù lại sự sút giảm tiêu dùng ở Mỹ và ở khối dùng chung đồng Euro châu Âu.

Giữ cả thị trường nội địa và xuất khẩu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2010 khẳng định, với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế.

Sau khủng hoảng toàn cầu, đã có nhiều ý kiến nói rằng Việt Nam nên tập trung cho thị trường nội địa nhiều hơn để tránh những bất ổn, rủi ro từ định hướng dựa vào xuất khẩu.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mỗi quốc gia cần dựa vào thị trường trong nước nhưng vẫn phải hướng về xuất khẩu. Tùy vào điều kiện, lợi thế của mình mà cân bằng giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Chẳng hạn, Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu gạo, bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực trong nước thì xuất khẩu gạo cũng góp phần vào phát triển bền vững kinh tế thế giới. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận hai hướng một cách tích cực và thực tế sẽ đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không bỏ qua thị trường nội địa nhưng để nâng cao sức mua, Việt Nam phải duy trì cho được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Việt Nam có khả năng đảm bảo được mức tăng trưởng này vì, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2009 nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,3% và dự báo tăng trưởng ổn định trên 7% vào các năm sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem