Việt-Trung rạch ròi giữa hợp tác kinh tế và chủ quyền lãnh thổ

Thứ năm, ngày 17/10/2013 06:48 AM (GMT+7)
“Những kết quả đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã mở ra những tín hiệu tốt đẹp trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Bình luận 0
“Những kết quả đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã mở ra những tín hiệu tốt đẹp trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông” - TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông đã dành cho NTNN một cuộc phỏng vấn để đánh giá về kết quả chuyến thăm này.

Tín hiệu tốt về Biển Đông


Nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước đã ra tuyên bố chung, trong đó có nhấn mạnh đến những nguyên tắc về hợp tác trên Biển Đông. Xin tiến sĩ cho biết, tuyên bố chung lần này có những tiến bộ nào so với những tuyên bố chung trước đây?


- Nếu nhìn về văn bản, tuyên bố đó có những nguyên tắc mà từ trước đến nay hai bên vẫn thỏa thuận, đặc biệt là nhắc lại phương diện ngoại giao và lập trường của Trung Quốc là ngồi lại để thúc đẩy việc tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)… Hai bên sẽ duy trì các cơ chế gặp gỡ nhau để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, đáng chú ý là những điều đó nay được nhắc lại với những ngôn từ nhẹ nhàng hơn. Đây là một tín hiệu tốt đẹp. Xét về mặt hình thức, chúng ta mong rằng, những điều đó sẽ trở thành hiện thực và những lời nói đó biến thành hành động cụ thể. Đây là mong muốn của Việt Nam và cả các nước trong khu vực. Hy vọng, Trung Quốc sẽ thực hiện đúng như những gì họ đã nói.

Đại diện nhà thầu Trung Quốc (phải) ký hợp  đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).
Đại diện nhà thầu Trung Quốc (phải) ký hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).

Thưa tiến sĩ, từ văn bản đến hiện thực là một quá trình không dễ dàng. Vậy liệu chúng ta có thể hy vọng sớm nhìn thấy kết quả như mong đợi hay không?

- Vấn đề thỏa thuận có trở thành hiện thực hay không, trên thực tế không phải do Việt Nam, mà do hành động, trách nhiệm từ phía Trung Quốc. Tôi rất tin rằng, với đông đảo tiếng nói của dư luận và xu thế hiện nay của nhân loại, những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ buộc phải thực hiện những gì họ nói.

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam nên lưu ý đến việc cần phải có những hành động cụ thể như thế nào đối với các vấn đề liên quan đến đảo Cỏ Mây, trong quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, mà Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gây sức ép… Những động thái nói trên của Trung Quốc đều chưa có gì thể hiện Trung Quốc đã xuống thang.

Những tác động, những hành động gây hấn của Trung Quốc luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra xung đột, cần phải chấm dứt những hành động như vậy. Trung Quốc có nói gì đi chăng nữa nhưng một khi những yêu sách vô lý như đường lưỡi bò vẫn tồn tại thì rất khó để có kết quả như chúng ta mong muốn. Vì vậy, Trung Quốc cần phải cầu thị hơn để ngồi lại thảo luận cùng nhau.

Chính vì thế, chuyến thăm lần này với những điều khoản được đưa ra trong tuyên bố chung, chúng ta hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ tăng cao trách nhiệm trong việc biến những lời nói, lời hứa của mình trở thành hiện thực.

Rõ ràng, để có được tuyên bố chung lần này là sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà ngoại giao Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?


- Đúng vậy, đây là nỗ lực rất lớn của hai bên, thể hiện sự kiềm chế, nhất là từ phía chúng ta. Rõ ràng là Việt Nam đã thực hiện chủ trương mà lãnh đạo ta đã từng tuyên bố nhiều lần trong diễn đàn khu vực và trên thế giới rằng:

Chúng ta sẽ tận dụng mọi cách, mọi biện pháp và mọi cơ hội có được để các bên có thể ngồi lại với nhau, tìm ra tiếng nói chung để giữ được sự ổn định, vì cuộc sống, vì hòa bình, ổn định, an ninh hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Điều đó chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, thái độ của các bên như thế nào thì chúng ta vẫn giữ nguyên lập trường là để các bên cùng ngồi với nhau vào bàn thảo luận, từng bước từng bước bảo vệ lợi ích của chúng ta, phù hợp với lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Đây cũng có thể coi là một thành công về đường lối ngoại giao của Việt Nam mà chúng ta đã thử nghiệm trong lịch sử. Và bây giờ, một lần nữa chúng ta lại thực hiện đường lối đó và rõ ràng, chúng ta đã đi đúng đường.

Rạch ròi về kinh tế


Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, lĩnh vực kinh tế được chú trọng rõ rệt. Liệu việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế có phải là “thủ thuật” của Trung Quốc nhằm làm giảm sự chú ý của dư luận về vấn đề Biển Đông hay không, thưa tiến sĩ?

- Như chúng ta biết, trong quan hệ quốc tế hiện nay, Trung Quốc cũng có rất nhiều tính toán. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế là do cuộc sống, quy luật phát triển đòi hỏi phải có. Đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lại cần phải có những hợp tác kinh tế vì đời sống dân sinh là nhu cầu tất yếu.

Chúng ta phải rạch ròi rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên những lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội là hoàn toàn khác so với việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là hai nội dung khác nhau, với những giải pháp khác nhau.

"Có thể nói kết quả chuyến thăm là bước đột phá vì đó thể hiện sự quyết tâm của cả đôi bên, nhưng quan trọng là làm sao để những thỏa thuận đó phải biến thành thực tế, đừng chỉ dừng lại trên giấy tờ, phục vụ cho mục đích ngoại giao, tuyên truyền, mà phải biến thành hành động cụ thể và có hiệu quả”.
TS Trần Công Trục

Trung Quốc và Việt Nam không vì chuyện tranh chấp hay những ý kiến khác nhau về vấn đề biên giới, lãnh thổ mà ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế. Đồng thời, chúng ta cũng nên nói rõ điều đó, bởi vì việc chúng ta giải quyết tranh chấp thì cần phải ngồi với nhau để đàm phán, không nên lấy vấn đề kinh tế để gây cản trở cho quá trình giải quyết.

Ngoài ra, việc hợp tác kinh tế cũng là một động cơ, là môi trường rất tốt để hai bên có nhiều cơ hội ngồi lại với nhau hơn.

Sau những tín hiệu tốt lành từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, liệu Việt Nam và ASEAN có hy vọng nhiều cho việc sớm thông qua COC hay không?


- Hy vọng này luôn thường trực trong mỗi người Việt Nam, trong mỗi lãnh đạo Việt Nam. Những kết quả này đang diễn ra theo đúng động cơ trong sáng của Việt Nam, đó là những điều rất đáng quý. Hy vọng thúc đẩy COC và chúng ta đang nỗ lực để đạt được điều đó. Và chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Khắc Cường cũng như việc Việt - Trung ra tuyên bố chung cũng là một trong những nỗ lực để đạt được COC.

Xin cảm ơn ông!


Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem