"Vội biến chùa Cầu thế kỷ 16 thành chùa thế kỷ 21 thì ai ngó..."

Trương Hồng Thứ năm, ngày 18/08/2016 13:56 PM (GMT+7)
"Đừng biến “lão” chùa Cầu thành một "thanh niên". Vội là coi như biến chùa Cầu từ thế kỷ 16 thành thế kỷ 21 thì ai ngó cho được…”, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói.
Bình luận 0

Xung quanh sự việc cho rằng di tích lịch sử chùa Cầu ở Hội An, Quảng Nam được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XVII đang bị xuống cấp trầm trọng cần phải được trùng tu ngay, các nhà khoa học đưa ra giải pháp cho rằng cần phải hạ hết chùa Cầu xuống.

Hôm nay (18.8), trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, từ những năm 1999 khi chùa Cầu xuống cấp, dù nhiều nhà khoa học góp ý phương án hạ giải (tháo dỡ) để cứu chùa Cầu, nhưng ông đã từ chối quyết liệt không cho tháo gỡ mà chọn cách tu bổ dần dần vì muốn giữ nét văn hóa, hoa văn tinh xảo.

Theo ông Sự, hiện tại chùa Cầu đã xuống cấp, nguyên nhân là công năng của nó phải gánh nặng giao thông và di tích. Ông cho rằng cái gì hư hỏng, xuống cấp là phải trùng tu, nhưng trùng tu như thế nào để giữ lại chùa Cầu không sụp đổ, giữ di tích lâu dài.

img

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng: Đừng biến “lão” chùa Cầu thành một “thanh niên”.

"Các ý tháo gỡ toàn bộ đó của nhà khoa học tôi cũng ủng hộ, nhưng phải có giải pháp cụ thể từng chi tiết, cụ thể, không nên vội vàng được. Theo tôi, phần nào hư thì sửa, chứ đừng nên làm xáo trộn hết hoa văn của chùa Cầu và không thay đổi hết cái mới. Nếu quyết tháo gỡ thì chùa Cầu sẽ bị chẻ ra, đã gọi là di tích thì phải giữ lại di tích. Ngoài ra, những tay nghề hiện đại chưa chắc giữ được như di tích đã có" - ông cho hay.

Ông Sự ủng hộ phương án tháo gỡ nhưng phải có phương án cụ thể. "Nếu không cụ thể, tôi cương quyết không để trường hợp này xảy ra, vì chùa Cầu là biểu tượng của người Hội An. Còn nếu chưa có phương án trùng tu thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, khi có giải pháp thì hãy tính đến phương án, nôn nóng thì không nên. Đừng biến “lão” chùa Cầu thành một "thanh niên" - ông cho biết.

"Vội là coi như biến chùa Cầu từ thế kỷ 16 thành thế kỷ 21 thì ai ngó cho được…” - ông khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Xuân Toản cùng Th.S Nguyễn Duy Thảo - Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, hiện di tích chùa Cầu bị công phá ở nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, các mối ghép trên đầu cột A3 bị hở và nứt, chân cột B2 bị mục và xuất hiện nhiều vết nứt. Ngoài ra, hệ giằng cột B2-B3 nứt nẻ với mật độ dày đặc, máng nước và xà đỡ bị mục. Đặc biệt, dầm thép bị hoen gỉ, điểm kê chưa đảm bảo.

GS.TS Trương Quốc Bình - Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia cũng chỉ ra 4 nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến chùa Cầu đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Theo đó, phần mố trụ đỡ di tích đã xuất hiện nhiều vết nứt loang lổ, bong tróc vôi sữa; hằng năm chùa Cầu hứng chịu triều cường và dòng chảy mạnh do nằm ở vị trí thấp trũng, đặc biệt mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt kéo dài.

“Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến di sản là tình trạng quá tải lượng khách du lịch qua lại chùa Cầu. Ngoài ra, môi trường nước tại di tích đang bị ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư sầm uất đang ảnh hưởng rất lớn đến công trình có giá trị lịch sử to lớn này” - ông Bình nói.

img

 Du khách tham quan chùa Cầu

Trước khi đi sâu vào lập kế hoạch, phương án trùng tu, GS.TS Trương Quốc Bình nêu lên quan điểm cần hết sức cẩn trọng trước khi bắt tay vào công tác tu bổ. Theo GS Bình, việc bảo quản, sửa chữa di tích phải đảm bảo các yêu cầu sau: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành của công trình; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch nội dung vốn có của di tích lịch sử; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là sử dụng vật liệu, chất liệu mới.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ nêu quan điểm khi tu bổ: cần bảo tồn các cấu kiện gỗ có hình thức, kiểu kết cấu như chốt nêm thanh trính như ngày trước; phần đế xây đá làm trụ cầu và chùa cố gắng giữ nguyên nếu tháo ra cũng cần phục dựng làm phần bao che như thiết kế ban đầu; phần sơn phủ, tô màu cần tìm hiểu kĩ màu sơn, nguyên liệu sơn để phục chế; tìm biện pháp chống ẩm và sử dụng các loại gỗ tốt chịu được nước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem