“Vòng kim cô” siết hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid-19

Hồng Nhân Thứ tư, ngày 01/04/2020 06:00 AM (GMT+7)
Các hành vi trốn cách ly, khai báo gian dối liên quan Covid-19 làm lây bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự. Hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp mọi người chấp hành nghiêm túc trong việc phòng và chống dịch Covid-19.
Bình luận 0

“Đau đầu” với khai báo gian dối, tung tin giả

Theo ghi nhận, từ khi xảy ra dịch Covid-19 tại Việt Nam nhiều trường hợp khai báo không trung thực, trốn cách ly, tạo tin giả... gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phòng và chống dịch Covid-19.

Cụ thể, mới đây, tỉnh Thái Nguyên phải thực hiện cách ly tập trung 46 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 178 nhiễm Covid-19 và cách ly tại nhà 196 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần. Bệnh nhân 178 (44 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ) là bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên nhiễm Covid-19. Người này có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở bệnh nhân đã không khai báo trung thực lịch trình di chuyển khiến cho công tác khoanh vùng, xác định các trường hợp liên quan gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 100 ở Việt Nam là nam giới, 55 tuổi, địa chỉ ở quận 8 (TP.HCM). Theo lịch trình di chuyển, ngày 27/2, bệnh nhân đến Kuala Lumpur (Malaysia) đi hành hương lễ hội hồi giáo. Ngày 3/3, bệnh nhân về nước trên chuyến bay của Hãng hàng không AsiaAir số hiệu AK524. Đến 20 giờ cùng ngày về đến sân bay Tân Sơn Nhất và được con trai chở về nhà.

img

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh với Covid - 19 tại Hà Nội, sáng 31/3. (ảnh N.H)

Mặc dù được yêu cầu tự cách ly tại nhà nhưng từ ngày 4/3 - 17/3, ông đi lễ 5 lần/ngày tại thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar (số 157B/9 Dương Bá Trạc, P.1, Q.8). Hành vi của bệnh nhân này khiến cho 129 người phải cách ly tập trung và 140 hộ bị cách ly tại chỗ.

Một trường hợp khác là bệnh nhân số 17, đây là ca đầu tiên mắc Covid-19 tại Hà Nội công bố vào ngày 6/3. Trước đó, ngày 15/2, bệnh nhân này đã xuất cảnh bay sang London (Anh), rồi sang Ý và Pháp. Ngày 29/2, người này bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Sau đó, bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam. Khi nhập cảnh vào Việt Nam, lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay đã không phát hiện tiểu sử dịch tễ vì người này này đã sử dụng song song 2 hộ chiếu là hộ chiếu.

Bên cạnh những người khai báo gian dối, trốn cách ly, tại Việt Nam cũng liên tiếp xử lý trường hợp tung tin giả, tin đồn thất thiết về dịch Covid-19, trong đó có cả nghệ sĩ. Số người bị phạt hành chính vì tung tin giả còn nhiều hơn số người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với những trường hợp trốn cách ly, khai báo không trung thực... được ghi nhận trước đó, chưa người nào bị xử lý hình sự mang tính răn đe đối với những trường hợp khác.

Người dân an tâm với quy định mới

Nhiều người dân cho biết, khi nghe thông tin về những người khai báo gian dối, giấu dịch hay trốn cách ly họ vô cùng bức xúc.  Chị Vũ Thị Ch (Cầu Giấy,Hà Nội) chia sẻ, chị rất phẫn nộ khi nghe tin bệnh nhân số 178, trước đó là bệnh nhân số 34 và 17 với những hành vi khai báo gian dối đã gây ảnh hưởng lớn công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Nghe thông tin có chế tài xử lý mới do Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn tôi cảm thấy rất an tầm, hy vọng những trường hợp gây ảnh hưởng đến công tác phòng dịch sẽ bị xử lý, răn đe. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác nhìn vào đó để có cách ứng xử phù hợp hơn”-chị Ch thông tin. 

"Tôi đề nghị có hướng dẫn rồi, có luật rồi nhưng phải làm. Một luận điểm nổi tiếng của Các Mác: Có luật mà không  thực hiện thì còn tệ hại hơn là không có luật. Bây giờ có luật rồi chúng ta phải thực hiện, bởi luật pháp có mà không thực hiện là rất nguy hiểm và tệ hại”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, quyết định của TAND Tối cao là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. “Tôi đánh giá Công văn số 45/TANDTC-PC là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với luật pháp Việt Nam. Có điều ta làm hơi muộn, đúng ra việc này phải đưa vào từ tháng 2/2020. Một số vấn đề khiến chúng ta e ngại, phải chẳng là có liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Tôi khẳng định, chuyện này không liên quan gì đến việc đó. Một số nước như Úc, Singapore ... họ phạt hàng triệu, thậm chí là phạt tù. Tôi ủng hộ việc ra công văn này”- Thiếu tướng Cương khẳng định.

Ông Cương cũng cho biết, khi có luật rồi thì các ngành chức năng phải vào cuộc, chung tay thực hiện để luật pháp đi vào thực tế. “Bây giờ có luật rồi chúng ta phải thực hiện, bởi luật pháp có mà không thực hiện là rất nguy hiểm và tệ hại”-vị Thiếu tướng cho hay.

Theo ông, chuyện phạt tiền không mang khẩu trang khi ra ngoài là rất hay và thiết thực nhưng so với việc trốn cách ly, khai báo gian dối thì việc trốn cách ly...  tội gấp hàng  trăm lần và phải xử lý ngay. Thiếu tướng Lê Văn Cương tin chắc nếu thực hiện ngay, nghiêm khắc, răn đe thì công văn này hiệu quả sẽ rất tích cực đi vào thực tế, giảm hẳn trốn cách ly, khai báo gian dối, đăng tin thiếu trung thực... Tất cả sẽ làm nên công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thành công.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem