Vụ 18 người nghi sốc phản vệ: 7 người đã tử vong

Nhóm PV Thứ ba, ngày 30/05/2017 07:33 AM (GMT+7)
Tại cuộc họp báo sáng nay (30.5), Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến 8h00 sáng nay có 7 bệnh nhân tử vong, còn 1 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, còn lại 10 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tại buổi họp báo sáng 30.5

Sáng nay (30.5), thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cơ quan này đã tới thăm hỏi, chia sẻ, động viên với mất mát của các gia đình bệnh nhân nghi bị sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang-Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng nay UBND tỉnh Hòa Bình đã xuống trực tiếp Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm, động viên bệnh nhân đang cấp cứu và đến thắp hương cho các bệnh nhân qua đời.

“Đến thời điểm này, cả 7 bệnh nhân tử vong đã hoàn tất thủ tục đưa về nhà. 11 bệnh nhân đang cấp cứu, 1 bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 10 bệnh nhân khác được chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội” – ông Quang nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, tỉnh này đã hỗ trợ mỗi trường hợp bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, các trường hợp cấp cứu là 2 triệu đồng/người. Phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã hỗ trợ 10 triệu đồng/bệnh nhân tử vong và đang tiếp tục khẩn trương cứu chữa các bệnh nhân còn lại.

Cũng thông tin với PV sáng nay, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, vào đêm qua, sau khi điều trị tích cực đối với các bệnh nhân, bệnh viện đã thống nhất phương án chuyển 10 bệnh nhân tới bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

“10 bệnh nhân này đang nằm ở các khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo, hi vọng ổn định số bệnh nhân này” – ông Dương nói.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh nhân đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sẽ tiếp tục được lọc máu và thực hiện các phương án cứu chữa tốt nhất.

“Các bệnh nhân đang điều trị chu kỳ, chúng tôi đã có phương án chi tiết đảm bảo cho các bệnh nhân chạy thận đảm bảo sức khỏe” – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình nói.

Được biết, sáng nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã giao cho các đồng chí lãnh đạo đến trực tiếp từng gia đình thắp nén hương và hỗ trợ các gia đình có người bệnh tử vong. Quỹ từ thiện của bệnh viện quyết định bổ sung thêm mỗi trường hợp là 3 triệu đồng để hỗ trợ người bệnh.

Trước đó, số bệnh nhân nhẹ hơn đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm 29.5.

Trước đó, khoảng 8h15 phút ngày 29.5 tại đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện đồng loạt triệu chứng của sốc phản vệ (bệnh nhân có biểu hiện: Khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa).

img

Bà Bùi Thị Vân (54 tuổi, trú tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Đến hết ngày 29.5, đã có 7 bệnh nhân đã tử vong, còn 10 người khác thì được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ tiếp tục theo dõi. 

Được biết, sáng nay (30.5) UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức họp báo về sự việc trên.

Sau hơn 10 tiếng rơi vào tình trạng hôn mê sâu, bà Vân, bà Rím đã tỉnh và có thể nói chuyện được nhưng cả hai vẫn chưa hết bàng hoàng...

Bà Bùi Thị Vân (54 tuổi, trú tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, ngày 28.5, bà một mình bắt xe khách vượt quãng đường hơn 80 km đến thành phố Hòa Bình thuê nhà trọ chuẩn bị cho ca chạy thận đầu tiên vào sáng ngày hôm sau.

"Dự định sau khi chạy thận xong tôi sẽ ra ở trọ qua đêm đến hôm sau rồi về. Vậy mà cuối cùng tôi phải ở luôn tại viện”- giọng bà Vân buồn rầu nói.

img

Bệnh nhân chữa trị sau khi gặp sự cố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Nhắm mắt đôi giây bà kể: “Lúc đó mới chạy thận được khoảng 45 phút, tôi bắt đầu cảm thấy ngứa tai, sau đó là ngứa lưỡi, cổ họng rồi lan ra toàn thân. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nôn thốc, nôn tháo, sau đó tôi rơi vào hôn mê bất tỉnh”.

Giống như bà Vân, bà Bùi Thị Rấm (65 tuổi) đã tỉnh táo sau khi trải qua những tiếng đồng hồ dài đằng đẵng của cơn hôn mê. Bà chia sẻ rằng mình may mắn vì bị nhẹ hơn những người khác.

“Tôi bắt đầu chạy ca 7 giờ, khoảng 1 tiếng sau thì thấy tức ngực, khó thở, đau bung âm ỉ, tê tay và sau đó là buôn nôn. Thấy vậy, tôi báo ngay với bác sĩ trực và được tháo dây truyền luôn”, bà Rấm nhớ lại.

Theo bà Rấm, phòng bà có 5 người chạy thì cả 5 người đều có chung biểu hiện như vậy. Được biết bà Rấm bắt đầu chạy thận từ tháng 11.2015 đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem